Tìm hiểu về định dạng ảnh raw

Định dạng ảnh raw là gì?

Tên gọi raw hay RAW không phải là một từ viết tắt. Raw thực ra chỉ đơn giản là từ tiếng Anh có nghĩa là “thô, sống, nguyên”. Đây là dạng ảnh thô, nguyên bản chưa hề được xử lí bởi máy ảnh. (Bởi thường chúng ta thấy máy ảnh sẽ cho ra ảnh JPEG, đây là định dạng đã được máy ảnh xử lí). Có rất nhiều định dạng raw, mỗi loại camera (từ mỗi hãng) sử dụng một định dạng cụ thể của nó.

Hãng máy ảnh | Đuôi file raw tương ứngCanon | .crw .cr2 Nikon | .nef .nrw Sony | .arw .srf .sr2 Pentax | .ptx .pef Olympus | .orf Hasselblad | .3fr Leica | .raw .rwl .dng

Khi bạn thực hiện chụp một bức ảnh, hàng loạt công đoạn được thực hiện trong máy ảnh. Quá trình này xảy ra rất nhanh: Cảm biến ảnh được phơi sáng, khi đó mỗi pixel trên bề mặt cảm biến sẽ được các điện tích riêng biệt. Các điện tích sẽ được gán một con số (“số hóa”) tương ứng với mức ánh sáng trên mỗi pixel nhận được. Những con số này chỉ cho biết mức ánh sáng nhưng không có thông tin về màu. Với định dạng raw, các con số này sẽ được ghi thẳng lên thẻ nhớ mà không qua bất cứ khâu xử lí nào.

Mặt khác, với dạng JPEG, bức ảnh sẽ trải qua thêm vài công đoạn trong máy. Dữ liệu (tức các con số nói trên) được chuyển tới bộ (chip) xử lí của máy ảnh, và trải qua một quá trình phức tạp được gọi là demosaic. Trong quá trình này, các pixel sẽ được định màu. Ảnh màu cho ra sau đó được chỉnh sửa qua thêm nhiều công đoạn nữa (cân bằng trắng, làm sắc nét, nén và sau cùng là được ghi lên thẻ).

 

Demosaic, White Balance

 

Tone Curves, Contrast, Color Saturation, Sharpening

Nén thành ảnh JPEG 8 bit

Bởi một ảnh raw không được chuyển đổi thành ảnh màu hay bị xử lí, nén theo bất cứ một cách nào nên nó thực sự là ảnh rất “raw”: “mộc” nhất, “thô” nhất và “nguyên vẹn” nhất. Nhưng để những tấm ảnh raw này có thể sử dụng được, chúng còn phải trải qua tất cả các công đoạn lẽ ra đã được thực hiện trong máy ảnh. Các công đoạn này giờ phụ thuộc vào người sử dụng, với công cụ xử lí là các phần mềm chuyển đổi ảnh raw, ví dụ như Adobe Lightroom, Apple Aperture, iPhoto hay Photoshop Camera Raw, v.v….

Khi nào chúng ta nên chụp ảnh dạng raw?

Có rất nhiều lợi ích của việc chụp raw, từ việc chỉnh sửa những chi tiết khó mà thực hiện được với ảnh JPEG, tới khả năng dễ dàng thay đổi cân bằng trắng hay độ phơi sáng. Nói chung, xử lí hình ảnh trên máy vi tính thay vì để máy ảnh tự xử lí có nghĩa là chính người sử dụng sẽ là người quyết định số phận bức ảnh. Lúc đó, người dùng sẽ có thể tự quyết định theo ý thích và nhu cầu của mình. Ngoài ra, nếu so với xử lí trong máy ảnh, xử lí ảnh raw bằng tay trên máy vi tính còn có thể cho ra kết quả tốt hơn nhiều. Tại sao? Đó là bởi ở máy ảnh, thuật toán xử lí phải được tối ưu để kịp thời gian chụp tấm ảnh tiếp theo trong khi máy vi tính không có gì mà phải vội cả.
Thậm chí nếu bạn không muốn chuyển hẳn sang chế độ chụp raw, bạn vẫn nên xem xét việc chuyển đổi sang chế độ này trong những tình huống cụ thể như sau:

Khi bạn không chắc chắn về Cân bằng trắng

Bạn có thể gặp rất nhiều kiểu thời tiết và điều kiện ánh sáng phức tạp khi chụp ảnh. Những lúc này bạn rất nên chụp với tùy chỉnh ảnh raw.
Ví dụ: bạn có thể chụp trong bóng râm, khi mây tạm thời che mặt trời, hay thậm chí là các điều kiện ánh sáng hỗn hợp (ví dụ như ánh sáng mặt trời chiếu vào một phòng đang mở đèn dây tóc).
Với một file ảnh raw, bạn có thể dễ dàng thay đổi cân bằng trắng của bức ảnh sau đó. Mặc dù cơ chế cân bằng trắng tự động (Auto White Balance) trên hầu hết các máy ảnh hiện nay rất tiên tiến, vẫn rất nhiều trường hợp cơ chế này bị đánh lừa. Nếu bạn đã từng cố sửa một bức ảnh JPEG sai độ màu, bạn sẽ biết thực ra chỉnh sửa cân bằng trắng không phải là một vấn đề nhỏ. Với ảnh raw, bạn không cần phải lo về điều này.

Lấy ví dụ ở tấm ảnh này. Bởi vì người đàn ông đang đứng trong bóng tối, Auto White Balance của máy ảnh không thể xác định chính xác được thông tin về cân bằng trắng, và kết quả là hình ảnh có phần ngả về gam màu “lạnh”. Nhưng với một bức ảnh dạng raw, ta có thể sửa cân bằng trắng rất đơn giản bằng cách chỉnh thanh trượt cân bằng trắng để làm ấm lại hình ảnh mà không làm hỏng các chi tiết khác.

Trong điều kiện có vùng highlight quá sáng hoặc do lỗi chụp tạo nên ảnh quá sáng/tối

Tốt nhất nên luôn chụp raw nếu bạn đang chụp ảnh trong tình huống khó kiểm soát độ phơi sáng của vùng highlight. Trong một bức ảnh raw, bạn có thể khôi phục lại các chi tiết ở vùng highlight bị quá sáng (overexposed) và “cứu chữa” những tấm ảnh dường như đã bỏ đi. Ngoài ra, ảnh do vô tình chụp quá sáng/tối cũng có thể dễ dàng được sửa và khôi phục chi tiết.

Chụp raw sẽ rất hữu ích khi chụp trong điều kiện ánh sáng mặt trời mạnh, chụp chủ thể có bề mặt phản quang, chụp trong điều kiện có Dynamic Range rộng (dải từ sáng tới tối), khi da nhiều mồ hôi taoj phản quang mạnh có thể dẫn đến ảnh bị overexposed.

Khi bạn có đã quyết định sẽ hậu kì kĩ lưỡng

Ảnh dạng raw cho phép chỉnh sửa sâu hơn nhiều các tập tin JPEG. Máy ảnh có thể chụp ảnh có 12 – 14 bit dữ liệu trên mỗi pixel, nhưng một tập tin JPEG chỉ có thể chứa 8 bit. Điều này có nghĩa là, khi chụp ở chế độ JPEG, máy ảnh của bạn sẽ bỏ đi một lượng dữ liệu khá lớn của ảnh chụp được. Thông thường thì lượng dữ liệu mất đi này không quan trọng, và bạn vẫn có được một bức ảnh đầy đủ tông màu, sắc độ. Nhưng nếu bạn quyết định sẽ chỉnh sửa nhiều trên các bức ảnh này hay bạn sẽ tinh chỉnh màu sắc và độ tương phản của ảnh lên tới mức tối đa, lượng dữ liệu bị loại bỏ trên có để có ý nghĩa rất lớn. Một bức ảnh “nghèo dữ liệu” chắc chắn sẽ không thể chỉnh sửa nhiều bằng một file raw. Khi chỉnh sửa nhiều trên file JPEG bạn sẽ nhận thấy các yếu tố màu, tương phản v.v… trên ảnh sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Nếu đã nắm được điều này, và nếu không có cách nào bạn chụp được ảnh như ý muốn và sẽ phải chỉnh sửa, bạn nên chuyển sang chụp raw ở những lúc này. Những trường hợp có thể là môi trường tạo nên điều kiện khó chụp như dải Dynamic Range quá rộng hay trường hợp màu sắc cần phải chỉnh sửa nhiều.

Khi bạn cần phóng lớn hình ảnh

Như đã nói trên, thuật toán nén JPEG đánh mất nhiều dữ liệu trong ảnh. Điều này có nghĩa là, khi một bức ảnh chụp ra được nén theo chuẩn JPEG, một phần dữ liệu sẽ bị loại bỏ và lúc đó bức ảnh sẽ vĩnh viễn bị giảm chất lượng. Nếu nén JPEG quá nhiều thì độ giảm chất lượng sẽ hiện ra rất rõ rệt. Như vậy, nếu bạn muốn phóng lớn hình ảnh, JPEG không phải là một lựa chọn tốt. Nhưng nếu bạn chọn raw, bạn sẽ không phải lo về chất lượng hình ảnh khi phóng lớn. Ảnh dạng raw không hề bị nén theo bất kì kiểu nào.

Khi nào đừng chụp raw?

Hãy nhớ rằng ảnh raw không phải là phép màu giúp cho ảnh bạn chụp ra lập tức đẹp long lanh như những tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Ảnh raw sẽ không hề sắc nét hơn, chi tiết hơn hay màu đẹp hơn ảnh JPEG. Thực ra, raw thậm chí còn có thể có vẻ ít nét và nhạt màu hơn cả ảnh JPEG trong trình duyệt ảnh. Thêm vào đó, ảnh raw sẽ nặng hơn ảnh JPEG rất nhiều, có nghĩa là ảnh raw sẽ chiếm nhiều chỗ hơn nhiều dẫn tới máy ảnh sẽ tốn thêm thời gian để ghi ảnh ra thẻ.

Khi bạn đã xác định nhu cầu của mình thì hãy sử dụng ảnh raw. Rất nhiều khi bạn sẽ ngại tốn thời gian chỉnh sửa file raw, đặc biệt khi chụp sự kiện cần nhiều ảnh. Ảnh raw cũng chỉ có thể chụp được ở tùy chọn độ phân giải cao nhất của máy (tuy nhiên cũng có 1 số định dạng lựa chọn được với độ phân giải thấp hơn là sRAW và mRAW).

Như vậy, đối với các nhiếp ảnh gia, ảnh raw là công cụ đắc lực nhất. Nó đem lại toàn quyền quản lí bức ảnh. Đổi lại, raw sẽ ảnh hưởng tới tốc độ làm việc (kể cả khi chụp và khi hậu kì), dung lượng lưu trữ.

Tại sao không thử?

Ngày trước việc xử lí ảnh raw rất tốn công. Nhưng sau này, khi chúng ta đã có những công cụ mạnh mẽ như Apple iPhoto, Aperture, Adobe Lightroom, Photoshop Camera Raw (Element và CS) hỗ trợ rất nhiều trong quá trình làm việc với ảnh raw. Vậy tại sao chúng ta không thử một lần nhỉ?

 

Trái: RAW | Phải: RAW được chỉnh Contrast, Blacks và Exposure

Trái: RAW | Phải: RAW được chỉnh Contrast, Blacks và Exposure

RAW

RAW được chỉnh sửa và thêm hiệu ứng Dreamy

RAW

RAW được chỉnh Contrast và mịn da

Theo Tinh Tế