Tìm hiểu về chụp cận cảnh – Sử dụng ống nối

Ống kính được đẩy càng xa, nhân vật càng được thu lại gần. Và do ống kính sẽ gần đối tượng hơn, nên độ phóng đại cũng vì thế lớn hơn. Về cơ bản, các ống nối cho phép chụp đối tượng gần hơn so với các kính cận cảnh, và trong một số trường hợp có thể đạt như việc sử dụng ống macro thực thụ.

Có hai loại ống nối.


Ống kính tiêu cự 50 mm với ống nối 25 mm.

Thứ nhất là loại ống rẻ tiền, không có các chấu nối điện tử duy trì kết nối giữa ống kính và thân máy. Với các ống này, máy ảnh không thể chỉnh mọi chế độ tự động thông thường dù vẫn có thể chỉnh phơi sáng qua chế độ ưu tiên cửa trập hoặc chế độ Program.

Nhược điểm lớn nhất của nó là khả năng điều chỉnh độ mở. Nếu ống kính của bạn không có vòng độ mở chỉnh tay (hay nói cách khác độ mở được điều chỉnh trên thân máy) thì khi lắp ống nối, độ mở ống kính sẽ bị khóa ở mức lớn nhất. Mặc dù độ mở lớn cũng có thể sử dụng trong chụp ảnh cận cảnh nhưng bạn cần lưu ý chụp các đối tượng có vùng nét đủ lớn cho cả ảnh, nếu không do khoảng nét quá hẹp, cả ảnh của bạn chỉ có một điểm nhỏ li ti là nét, còn toàn ảnh là mờ.

Nhưng với các ống có vòng độ mở chỉnh tay thì sẽ không có vấn đề gì lớn, bởi bạn có thể khép khẩu tùy ý.


Ống nối Canon EF25 and EF12.

Thứ hai là các ống tích hợp sẵn các chấu điện tử để duy trì kết nối giữa máy ảnh và ống kính. Với ống nối này máy ảnh có thể điều chỉnh độ mở hay bất kỳ chế độ tự động nào, kể cả tự động lấy nét.

Canon hiện có các ống nối EF25 và EF12 và đều đã được thay thế bằng các phiên bản thế hệ II. Bạn có thể thấy rõ các chấu tiếp xúc được duy trì trên hai phiên bản này.

Các hãng như Canon, Nikon hay Olympus cũng đều có các ống nối cho máy ảnh của mình. Sony hiện vẫn chưa có nhưng bạn có thể mua từ các nhà sản xuất thứ ba như Kenko hay Vivitar. Pentax cũng có ống nối của riêng mình, tuy nhiên một điều lạ là ống nối của hãng có khi còn đắt hơn cả một ống macro.

Ngược với kính cận cảnh, ống nối hoạt động trên các ống kính tiêu cự ngắn và trung bình hiệu quả hơn là trên các ống tiêu cự dài (ống tele).

Một lợi thế của loại này là bạn có thể sử dụng với bất kỳ ống kính nào bạn có, không phụ thuộc vào đường kính do ống nối được lắp vào máy ảnh ở phần đuôi ống kính. Nếu bạn mua cả bộ, thậm chí bạn còn có thể nối hai ống nối vào nhau để tăng thêm độ phóng đại.


Ảnh chụp cận cảnh bằng cách sử dụng ống nối.

Nhược điểm của ống nối là thiếu sáng. Việc thêm một đoạn nối sẽ làm mất đi một lượng ánh sáng nhất định, vì vậy, ở cùng một độ mở như khi không có ống nối, bạn phải chụp với tốc độ cửa trập chậm hơn hoặc ISO cao hơn để bù lượng sáng mất đi. Tuy nhiên, với các ống nối có chấu tự động, máy ảnh thường cũng sẽ tính toán toàn bộ thông số phơi sáng cho bạn khi ở chế độ tự động.

Cách tốt nhất khi chụp cận cảnh sử dụng ống nối là chuyển chế độ lấy nét về chỉnh nét tay và sử dụng vòng chỉnh nét trên ống kính để lấy nét đối tượng.


Độ sâu trường ảnh ở bức này mỏng.

Ví dụ độ sâu trường ảnh ở bức cận cảnh này khá mỏng, vì thế trong trường hợp này đừng ngại tăng ISO để có thể khép độ mở xuống một chút, tăng khoảng nét hơn. Nếu đối tượng đứng im, có thể sử dụng chân máy để duy trì chụp ISO thấp trong khi vẫn có ảnh chất lượng cao.

Lưu ý, nếu bạn chụp cầm tay, để có được ảnh sắc nét, tốc độ cửa trập thường nên đặt ở mức nhanh hơn thông thường, bởi lẽ thêm độ phóng đại cũng đồng nghĩa thêm khả năng máy bị rung. Tốc độ lý tưởng thông thường trong trường hợp cầm tay khoảng 1/250 giây là hợp lý.

Nguyễn Hà
Theo Số Hoá