Tìm hiểu lịch sử phát triển của Canon

Bạn có biết máy ảnh chỉ là một phần không lớn của Canon?

Canon là một cái tên rất nổi tiếng về các sản phẩm hình ảnh và và quang học. Hãng có kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực, bao gồm máy ảnh, máy quay phim, máy photocopy, máy in và có cả thiết bị y tế. Trụ sở chính của tập đoàn này nằm ở thành phố Tokyo, Nhật. Từ năm 1937 đến nay, Canon đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm mang tính tiên phong trong lĩnh vực hình ảnh. Hãng cũng đã trải qua nhiều thăng trầm để trở thành một tập đoàn lớn mạnh như ngày hôm nay. Trong bài viết này, mời các bạn cùng điểm qua một số cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tập đoàn Nhật Bảnnày.

Những buổi đầu (1933 – 1970)

Nguồn gốc của Canon là “Phòng thí nghiệm dụng cụ quang học chính xác” (Precision Optical Instruments Laboratory) được thành lập năm 1937 bởi bốn người: Takeshi Mitarai, Goro Yoshida, Saburo Uchida và Takeo Maeda. Sau đó, phòng thí nghiệm này đổi tên sang Seikikōgaku kenkyūsho (dịch sang tiếng Việt thì đây có nghĩa là “Công ty trách nhiệm hữu hạn quang học chính xác”).

Logo năm 1934 của Canon và được khắc lên chiếc máy ảnh đầu tiên của hãng.

Mặc dù công ty được thành lập năm 1937 nhưng bốn năm trước đó, những kĩ sư nói trên đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển Kwanon, nguyên mẫu máy ảnh 35mm đầu tiên của Nhật Bản sử dụng màn trập dạng focal plane. Thiết bị này có nhiều điểm tương tự như máy ảnh Leica Model II. Đến năm 1934, Kwanon được sản xuất thành công.

Kwanon, nguyên mẫu máy ảnh 35mm đầu tiên của Nhật Bản sử dụng màn trập dạng focal plane

Tháng 2 năm 1936, chiếc máy ảnh thương mại đầu tiên của Canon là “Hansa Canon” được công bố ra thị trường. Thiết bị này được hợp tác phát triển cùng với Nippon Kogaku (tiền thân của Nikon sau này đấy các bạn). Nippon Kogaku chịu trách nhiệm sản xuất lens, ngàm gắn lens, hệ thống quang học của viewfinder và cơ cấu rangefinder. Trong khi đó, Precision Optical Instruments Laboratory thì đảm đương phần thân máy, màn trập focal plane, rangefinder cover cũng như công đoạn lắp ráp ra camera.

Hansa Canon, máy ảnh thương mại đầu tiên của Canon

Năm 1940, Canon cho ra mắt máy ảnh X quang gián tiếp đầu tiên tại Nhật Bản. Tới năm 1947, công ty chuyển sang sử dụng cái tên Canon, đánh dấu một bước phát triển mạnh của hãng. Năm 1958, Canon giới thiệu một số ống kính zoom dành cho ngành truyền hình. Một năm sau, hãng giới thiệu Reflex Zoom 8, camera quay phim đầu tiên trên thế giới sử dụng lens zoom Canonflex.

Tháng 5/1959, Canon ra mắt chiếc máy ảnh gương lật phản xạ (SLR) đầu tiên của mình với tên gọi Canon Flex. Thiết bị này sử dụng một cơ cấu gương lật nhanh, một viewfinder có thể thay đổi. Hãng cũng có cung cấp tùy chọn bộ đo sáng riêng. Tất cả đều là những ý tưởng mới lạ và tiên tiến vào thời điểm Flex ra đời.


Canon Flex, máy ảnh SLR đầu tiên của Canon

Giống như mọi công ty Nhật Bản khác, tinh thần đổi mới liên tục luôn hiện diện trong toàn thể nhân viên và ban lãnh đạo của Canon. Năm 1961, Canon giới thiệu một chiếc máy ảnh Rangefinder: Canon 7. Chiếc máy này sử dụng ống kính 1:0.95. Ba năm sau đó, Canon bước chân ra khỏi lĩnh vực quang học bằng việc ra mắt Canola 130, máy tính 10 phím đầu tiên được sản xuất tại Nhật. Đây thực chất là một bản cải tiến dựa trên mẫu thiết kế của hãng Bell Punch (Anh Quốc). Trước đó hai năm, Bell Punch đã giới thiệu Sumlock Anita Mark 8 – chiếc máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới.

Máy tính Canola 130

Năm 1965, Canon đưa ra thị trường chiếc Pellix, một mẫu máy ảnh SLR với gương bán trong suốt cho phép chụp ảnh xuyên qua gương. Tới năm 1969, Canon đổi tên một lần nữa thành “Tập đoàn Canon”.

Canon Pellix

Đến năm 1970, Canon đã đạt doanh thu 44,8 tỉ yên với hơn 5.000 nhân viên. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dầu mỏ và đồng đô la, cộng với vấn đề về linh kiện màn hình máy tính điện tử không đạt chất lượng trong năm 1974 đã khiến Canon rơi vào giai đoạn khó khăn. Trong nửa đầu năm 1975, hãng không thể trả cổ tức cho cổ đông và đây là lần đầu tiên sự việc này diễn ra kể từ khi Canon trở thành công ty đại chúng. Năm 1976, Canon giới thiệu Premier Company Plan, một chiến lược đầy tham vọng để giúp Canon tự chuyển đổi thành một “công ty xuất sắc trên toàn cầu”. Hãng thiết lập các nhóm kinh doanh theo chiều dọc, thiết lập quy trình sản xuất và hệ thống bán hàng theo chiều ngang. Kế hoạch này cuối cùng cũng đã giúp Canon thoát khỏi khủng hoảng và bắt đầu một thời kì phát triển mạnh mẽ.

Giai đoạn phát triển mạnh (1971 – 2012):

Giai đoạn này Canon có nhiều sản phẩm, bước đi mới lạ, do đó mình sẽ bỏ nó vào trong Galleria để các bạn vừa xem chữ, vừa xem hình nhé, như vậy thì hay hơn, đã hơn.

1971: Canon giới thiệu chiếc máy ảnh F-1, mẫu máy ảnh nổi tiếng cho đến tận bây giờ. Đây là một chiếc SLR đầu tiên thuộc hàng cao cấp của Canon. Cùng thời điểm này, Canon công bố ngàm ống kính FD và nhiều lens tương thích.

 

1976: Canon công bố AE-1, máy ảnh đầu tiên trên thế giới được tích hợp vi máy tính để điều khiển màn trập và một số chế độ phơi sáng tự động.

1979: Máy in Canon laser LBP-10 được công bố. Đây là máy in đầu tiên trên thế giới sử dụng laser bán dẫn. (xin lỗi các bạn vì mình không thể nào kiếm ra tấm ảnh có kích thước lớn hơn)

1982: Canon giới thiệu PC-10/20, máy photocopy đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống mực dạng cartridge có thể thay được.

1985: Canon trình làng BJ-80, máy in phun đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ “Bubble Jet”.

Tháng 2/1985: Máy ảnh có khả năng tự động lấy nét đầu tiên của Canon ra đời: T80. Thiết bị này sử dụng ngàm ống kính FD nhưng lại sử dụng các lens dòng AC. Mỗi lens có một cảm biến và một mô-tơ nhỏ bên trong để phục vụ cho việc tự lấy nét. Từ đó đến nay chỉ có ba lens AS được sản xuất: AC 50mm f/1.8, AC 35-70mm f/3.5-4.5 và AC 75-200mm f/4.5. Các lens FD vẫn có thể dùng với T80 và việc focus tay sẽ được xác nhận trong viewfinder khi người dùng lấy đúng nét.

1987: Canon giới thiệu Electo-Optical System, dòng máy phim 35mm autofocus được ra đời với chiếc EOS 650. Đây là sản phẩm được thiết kế mới hoàn toàn để hỗ trợ khả năng tự động lấy nét và nó mang đặc trưng cho dòng EOS đến tận ngày nay. Các máy EOS sử dụng ngàm ống kính EF nên có khả năng truyền tín hiệu giữa thân máy ảnh với lens. Do đó, người dùng có thể điều khiển việc lấy nét và kiểm soát khẩu độ từ camera.

1988: Nhân dịp kỉ niệm 51 năm ngày thành lập công ty, Canon giới thiệu triết lý kinh doanh Kyosei. Triết lí này nói về việc tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, đều có thể sống và làm việc hòa hợp với nhay trong tương lai. Bằng các hành động dựa trên triết lý này, Canon đã giải quyết được một số vấn đề trong nội bộ công ty cũng như trên thế giới. Hãng cũng chú tâm hơn vào trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

 

1989: Dòng SLR chuyên nghiệp EOS 1 được trình làng.

Cũng trong năm 1989: EOS RT được ra mắt. Nó là máy ảnh SLR AF đầu tiên trên thế giới sử dụng gương bán trong suốt.

1992: Canon EOS 5, máy ảnh đầu tiên trên thế giới có khả năng điều khiển chọn điểm lấy nét bằng mắt (eye-controlled focusing -ECF) . Một hệ thống bên trong máy ảnh sẽ theo dõi sự di chuyển của nhãn cầu để cho phép người dùng chọn giữa năm điểm AF khác nhau trong lúc nhìn vào viewfinder. Giờ thì ECF không còn xuất hiện trên các máy DSLR của Canon nữa.

 

1992: PowerShot 600, máy ảnh số đầu tiên của Canon trình làng. Máy sử dụng cảm biến CCD độ phân giải 570.000 pixel, tức là chỉ 0.57 triệu pixel. Con số này cực nhỏ so với hiện nay nhưng vào thời điểm máy ra mắt, nó là một cột mốc quan trọng cho quá trình phát triển về sau của Canon trên lĩnh vực máy ảnh số dân dụng.

 

 

1995: Canon giới thiệu ống kính thương mại đầu tiên có tích hợp hệ thống ổn định hình ảnh, đó chính là ống EF 75-300mm f/4-5.6 IS USM. Cũng trong năm này, Canon ra mắt EOS-1N RS với khả năng chụp liên tục 10fps và nó cũng chính là SLR nhanh nhất thế giới thời bấy giờ. EOS-1N RS sử dụng gương bán trong suốt cố định với một lớp phủ “cứng”.

 

 

1996: model máy chụp hình kĩ thuật số bỏ túi đầu tiên của Canon với hệ thống chụp ảnh tiên tiến (Advanced Photo System) ra đời. Nó được gọi là ELPH ở Mỹ và IXUS ở Châu Âu. Đây cũng là tiền thân cho dòng IXUS sau này.

 

 

1997: Canon gia nhập thị trường máy quay phim kĩ thuật số với chiếc MV-1. Thiết bị này sử dụng cảm biến CCD và cơ chế quét liên tục để giảm hiện tượng rung hình ảnh so với máy quay CCD quét xen kẽ.

 

 

2002: Fujio Mitarai, chủ tịch của tập đoàn Canon, được tạp chí BusinessWeek vinh danh là một trong số 25 nhà quản lí hàng đầu thế giới.

 

 

2002: Canon ra mắt DSLR chuyên nghiệp EOS-1Ds, máy ảnh số đầu tiên của Canon dùng cảm biến Full-frame 35mm. Nó dùng cảm biến CMOS 11,4 megapixel và sở hữu thân hình tương tự như EOS-1V.

 

 

2004: máy chiếu LCD XEED SX50 của Canon được trình làng. Nó sử dụng công nghệ LCOS (Liquid Crystal on Silicon) nên giúp các điểm ảnh gần sát nhau hơn là các máy chiếu LCD bình thường. Kết quả là hình ảnh trông đẹp hơn và thực hơn.

 

 

2005: Máy quay phim độ phân giải HD cao (1080i) đầu tiên của Canon được ra đời: chiếc XL H1. Sản phẩm này nhắm đến những người dùng chuyên nghiệp cũng như những người yêu thích video. Máy sử dụng cổng HD-SDI (Serial Digital Interface) nên phù hợp cho việc sử dụng ở các studio, đài truyền hình. Máy dùng ống kính zoom 20x được phát triển mới: XL 5.4-108 mm L IS II. Đến ngày nay giá cho sản phẩm này vẫn còn rất cao, dao động trong khoảng 3000-6000 USD.

 

2006: Canon giới thiệu máy in khổ lớn imagePROGRAF 900 (iPF9000). Nó có khả năng in khổ giấy 42″ với độ phân giải 2400 dpi x 1200 dpi. iPF9000 sử dụng hệ thống mực 12 màu với hiệu suất cao, mức độ màu ổn định và tạo độ bóng bẩy tốt. Đây là một trong những thiết bị in công nghiệp chủ đạo của Canon lúc bấy giờ. Hiện nhiều nhà in, cửa hàng in ở Việt Nam cũng còn dùng iPF9000 và giá tham khảo vào khoảng 315.200.000 VNĐ.

2007: imagePRESS C7000VP là một sản phẩm in offset công nghiệp khác của Canon. Máy có thể in độ phân giải 1200 x 1200 dpi và điểm nổi bật nhất là nó có thể hoạt động liên tục trong thời gian dài. Người dùng có thể dọn mực thừa ngay cả trong khi máy đang chạy. Máy được sử dụng cho việc in những tài liệu, hình ảnh đòi hỏi chất lượng cực kì cao.

 

2009: Canon triển khai một dòng máy in, máy scan mới dùng cho văn phòng: imageRUNNER ADVANCE. Nó bao gồm 12 model thuộc các nhóm như “C9000 PRO”, “C7000”, “C5000” và tất cả đều cho hiệu suất hoạt động cao, dùng trong môi trường cần in ấn nhiều và nhanh. Ảnh bên trái là dòng C7000, ảnh bên trái là C5000.

 

 

2011: Kế hoạch Excellent Global Corporation Plan giai đoạn IV được triển khai.

 

Kính thiên văn Subaru Telescope của Nhật được đặt tại đảo Hawaii sử dụng ống kính rộng 8,2 mét, đây là chiếc kính đã tìm ra dải thiên hà tồn tại lâu đời nhất từ trước đến nay, nó được hình thành từ cách đây 12,91 tỷ năm. Trong số các thành phần cấu tạo nên kính thiên văn Subaru có một camera được chế tạo bởi Canon gọi là Hyper Suprime-Cam, ống kính của nó được ghép lại từ 7 thành phần, độ phân giải lên tới 900 MP với góc chụp siêu rộng và được xây dựng từ cuối năm 2011.

 

 

2012: Canon giới thiệu máy quay chuyên nghiệp C300 có khả năng ghi hình ảnh ở độ phân giải 4K. Sản phẩm này dành cho những nhà làm phim chuyên nghiệp nên có cấu hình mạnh mẽ và một mức giá cũng rất “mạnh mẽ”. Buổi giới thiệu được tổ chức tại cuộc triển lảm của hãng phim nổi tiếng Paramount tại Hollywood, bang California. Trước đây, thị trường quay phim chuyên nghiệp chủ yếu thuộc về hai hãng RED và Arri, giờ đây có thêm sự tham gia của Canon

Canon tại Việt Nam

Canon có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 1980 thông qua các nhà phân phối được uỷ quyền. Trong 10 năm qua, Canon đã thành lập 4 nhà máy sản xuất cũng như công ty Canon Marketing Việt Nam. Công ty Canon Marketing Việt Nam hoạt động dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của nhóm Canon Marketing Châu Á và công ty Canon Singapore, trụ sở chính của Canon tại cả khu vực Nam và Đông Nam Á.

Văn phòng đại diện đầu tiên của Canon được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ với 7 nhân viên vào năm 2002. Sau hơn một năm hoạt động, Canon Sigapore quyết định mở rộng quy mô của công ty mình ở Việt Nam bằng việc mở thêm một văn phòng nữa ở Hà Nội. Đến năm 2003, tổng số nhân viên của hãng ở Việt Nam đã tăng lên 11. Giống với Canon các nước khác, Canon chú trọng vào các sản phẩm hình ảnh tại Việt Nam, trong đó chúng ta đã khá quen thuộc với DSLR EOS, các máy ngắm chụp PowerShot, máy in,… Ngoài ra Canon cũng có một số sản phẩm dùng trong lĩnh vực truyền hình nữa.

 

Đến tháng 7 năm 2012, dưới sự chỉ đạo của nhóm Canon Marketing Asia và Canon Singapore, công ty Canon Marketing Vietnam đã được chính thức thành lập với tổng vốn đầu tư là 63 tỉ đồng. Công ty này sẽ làm nhiệm vụ nhập khẩu, phân phối, bán hàng cũng như cung cấp dịch vụ của Canon đến người dùng Việt Nam. Ở Việt Nam, Canon có nhà phân phối chính là công ty Lê Bảo Minh. Ngoài ra, hãng còn có mạng lớn 300 đại lý khác trên toàn quốc.

Năm 2009, Canon được công ty nghiên cứu thị trường GfK Asia xếp Canon vào hạng nhất về máy ảnh kĩ thuật số và máy in dân dụng tại Việt Nam. Cũng trong năm này, Canon được nhận giải “Saigon Times Top 40 – Những giá trị xanh”.

Ảnh: Thông tin công nghệ

Hãng cũng có tổ chức chương trình “Canon – Vì Thế Hệ Tương Lai” để giúp đỡ về cơ sở vật chất cho các trường học nghèo cũng như cải thiện việc dạy và học về môi trường. Trong ba năm, chương trình này đã tiếp cận hơn 30 trường ở 9 tỉnh thành trên khắp cả nước và số tiền quyên góp được khoảng trên 2 tỉ đồng. Trong năm nay, Canon sẽ tiếp tục đi từ Bắc vào Nam để phân phối số vật phẩm mà hãng quyên góp được cho 10 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ảnh: Lê Bảo Minh

Một chương trình khác mà chắc hẳn nhiều bạn cũng biết, đó là Canon Photomarathon. Đây là cuộc thi sáng tác ảnh nhanh được Canon tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong 7 năm qua. Đặc biệt trong năm 2012, lệ phí mà Photomarathon thu được sẽ dành tài trợ cho chương trình Understanding The Heart Foundation giúp phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo.

Trong năm 2011, Canon cũng có tổ chức nhiều đợt huấn luyện từ tháng Năm đến tháng Tám về nhiếp ảnh cho học sinh tại các trường cấp 2, cấp 3 ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Hãng cũng có chương trình thi viết về ảnh cho học sinh từ 8 đến 18 tuổi.

Chương trình “Một bức ảnh – Một hành động” cũng là một hoạt động của Canon tại Việt Nam, vốn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nghệ sĩ, diễn viên, những người nổi tiếng và các tổ chức môi trường để đóng góp cho việc gìn giữ môi trường Việt Nam.

Theo tinhte