Tận dụng hiệu ứng ống kính góc siêu rộng

Với ống góc siêu rộng, người xem sẽ có cảm giác gần sát ngay khung cảnh trong ảnh hay thậm chí ở trong khung cảnh chụp. Ảnh: Digitalphotographyschool.

Hầu hết ống kit của các máy DSLR thông thường đều đã là ống góc rộng với tiêu cự 18mm. Tính tương đương trên máy phim, ống này sẽ trở thành 27mm trên các máy cảm biến cỡ APS-C, đủ rộng chụp trong hầu hết mọi trường hợp.

Thường trên các máy phải nhân hình, ống 30 – 35mm sẽ được coi là ống tiêu chuẩn (Normal) bởi sẽ có cùng trường ảnh như mắt người. Nếu góc xuống 18mm, trường ảnh sẽ gần như tăng gấp đôi, còn nếu xuống 12mm, sẽ tăng thêm khoảng 50% nữa. Các ống có tiêu cự ngắn hơn 16mm đã được coi là ống góc siêu rộng rồi, và với những ống này thì khung cảnh thu được trong khuôn hình đủ rộng để mắt người ngoài thực địa phải quay đầu mới có thể bắt được những góc nhìn lớn như vậy.

Tuy nhiên, khi thu quá nhiều khung cảnh vào một khuôn hình, các ống góc rộng có xu hướng sẽ cường điệu hóa phối cảnh, theo đó, các cạnh sẽ bị méo đi, khoảng cách giữa các đối tượng tiền cảnh và hậu cảnh dường như bị kéo dài ra một cách bất thường, các đường vốn thẳng sẽ bị xiên và có xu hướng giao nhau…

Với ống kính góc siêu rộng, rất nhiều đối tượng sẽ được thu lại vào khung hình. Có đối tượng ở vùng sáng, có đối tượng ở vùng tối, có đối tượng gần, có đối tượng xa… Chính vì bao hàm quá nhiều đối tượng với quá nhiều không gian và độ tương phản khác nhau mà nếu không khéo thì dải tương phản động của DSLR sẽ trở nên bất lực trong việc lột tả các chi tiết của toàn bộ các đối tượng này.

Phối cảnh thông thường giờ đây cũng sẽ được thể hiện bằng một phong cách khác. Với ống góc siêu rộng, người xem sẽ có cảm giác gần sát ngay khung cảnh trong ảnh hay thậm chí ở trong khung cảnh chụp. Khác với các ống tele có xu hướng bẹp hóa trường ảnh, đẩy đối tượng ra xa hơn khoảng cách thực từ mắt người xem, ống góc siêu rộng lại phồng hóa khoảnh cách này lên, đồng thời đẩy đối tượng ra xa hơn.

Do độ sâu truờng ảnh bị cường điệu hóa nên khoảng nét của toàn bộ bức ảnh sẽ khó đạt được, chẳng hạn như với những ống 10 – 12mm thì kể cả khép khẩu xuống f/11 hay f/13 cũng chỉ giải quyết được phần nào vấn đề. Vì thế mà người chụp cần phải quyết định xem lên lấy nét vào đâu hay phải dùng phương pháp lấy nét vô cực để tạo độ sâu trường ảnh lớn hơn. Việc chọn điểm lấy nét không gì khác hơn là phải thử để tìm ra cách tối ưu cho mỗi máy ảnh và ống kính của riêng mình.


Dễ bị lóa sáng cũng là một điểm yếu của ống kính góc siêu rộng. Ảnh: Digitalphotographyschool.

Một vấn đề khác nảy sinh đối với ống siêu rộng đó là đôi khi đối tượng ở cảnh thực có khoảng cách không xa nhưng trên ống kính do cường điệu hóa nên lại khá nhỏ và khó để có thể khóa nét. Và với khoảng cách chỉ vài mét là các ống góc rộng có xu hướng đoán điểm nét thay vì khóa nét chính xác. Vì thế cố gắng thực hành lấy nét bằng tay để hiệu quả hơn.

Dễ bị lóa sáng cũng là một điểm yếu của ống góc siêu rộng. Vì thế hay luôn tâm niệm chỉ chụp vào các “giờ vàng” trong ngày như sáng sớm, chiều muộn hay nếu chụp giữa trưa thì nên chụp trong nhà.

Với việc sử dụng kỹ thuật khép khẩu để tăng khoảng nét trong khi lại phải chụp vào các “khung giờ vàng” vốn có ánh sáng yếu, gần như chắc chắn sử dụng ống góc siêu rộng nên đi kèm với chân máy. Tất nhiên, không nên áp dụng cứng nhắc cho các trường hợp như chụp đường phố, nhưng đối với các thể loại như ảnh kiến trúc hay phong cảnh thì có thêm một chân máy sẽ chỉ làm cho bức ảnh chất lượng tốt lên.

Một lưu ý nhỏ khi chụp ảnh kiến trúc là độ tương phản quan trọng hơn là độ phân giải, vì thế hãy cố gắng lấy nét vào những vùng các đường nét thẳng bị nghiêng vào nhau do hiệu ứng xiên. Còn với chụp chân dung, ống góc siêu rộng sẽ không thích hợp, chỉ trừ khi người chụp muốn thể hiện kiểu chân dung khôi hài như các tranh biếm hóa vẫn thường thể hiện.

Tuy nhiên, chính do yếu tố cường điệu hóa dẫn tới khôi hài về phối cảnh thực của ống góc siêu rộng mà thể loại ống này sẽ giúp người chụp có lợi thế bởi ngay từ đầu nó sẽ bắt mắt người xem bằng việc biến cái bình thường thành cái bất thường của nó. Vấn đề giờ chỉ là người chụp nào thể hiện được câu chuyện với ống góc rộng hay hơn, sáng tạo hơn mà thôi.


Cố gắng đưa vào tiền cảnh một hay một vài đối tượng thú vị. Ảnh: Digitalphotographyschool.

Trang web về nhiếp ảnh Digital Photography School đã tổng hợp cách tận dụng hiệu ứng ống góc siêu rộng thành 8 nguyên tắc cơ bản.

1. Cố gắng đưa vào tiền cảnh một hay một vài đối tượng thú vị, nếu không bức ảnh của bạn sẽ rất nhiều thứ mà thứ nào cũng nhạt nhòa. Ví như chụp ảnh phong cảnh thì tiền cảnh nên có một vài bông hoa hay vân đá của những hòn đá…

2. Tìm kiếm những đường nét mạnh trong bố cục tạo hình bởi những đường này sẽ càng ấn tượng hơn với trường ảnh cường điệu.

3. Chọn những ngày trời đẹp để ống góc rộng có thể thể hiện được khoảng mênh mông của bầu trời điểm theo những đường nhấn của những đám mây.

4. Nếu chụp các tòa nhà, giữ cho máy càng ngang bằng càng tốt.

5. Nên sử dụng ống phân cực để có thể tái hiện thêm màu sắc cho ảnh.

6. Chụp càng gần đối tượng càng tốt, bởi càng gần thì độ cường điệu đối tượng càng cao.

7. Do góc quá rộng nên chú ý đừng để những thứ tưởng chừng ngoài ảnh như chân người chụp hay chân máy bị lọt vào ảnh mà không biết.

8. Khi chụp phong cảnh, tốt nhất nên dùng chân máy.

Nguyễn Hà
Theo Số Hoá