Menu

Giỏ hàng

Những rủi ro của nghề cho thuê máy ảnh và ống kính

Phần lớn chủ các cơ sở cho thuê ống kính, máy ảnh đều là dân chơi ảnh và coi đây là nghề “tay trái”.
Ảnh: Thành Đạt.

Chị Nguyễn Thùy Linh, chủ một cơ sở cho thuê ở phố Thái Thịnh (Hà Nội), chia sẻ đây là nghề có thu nhập nhưng cũng rủi ro. Nguy cơ cao nhất là thiết bị của cửa hàng bị mang đi cầm đồ hoặc cho thuê lại, chưa kể thiết bị hỏng do người mượn bất cẩn.

Theo chị Linh, giá tiền thuê một thân máy hay ống kính cao nhất cũng chỉ 600 nghìn đồng một ngày, các thiết bị cho thuê đều phải đảm bảo chất lượng tốt nên cứ 6 đến 12 tháng chỗ chị lại thanh lý máy cũ. Thông thường, một ống kính Canon 24-70 mm f/2.8L chi phí đầu tư vài chục triệu đồng trong khi giá cho thuê chỉ từ 150 đến 200 nghìn đồng một ngày, tính ra phải cho thuê vài trăm lần mới hòa vốn. Đầu tư là vậy nhưng nếu không may bị khách mang “đặt” rất khó có cơ hội đòi lại vì giá trị thiết bị không quá lớn để nhờ công an can thiệp. Có lẽ vì vậy, số người mở dịch vụ này không nhiều, phần lớn chủ hàng đều là người đam mê nhiếp ảnh, coi đây là thu nhập “tay trái”.

Những hỏng hóc thiết bị thường gặp là máy thu về bị ẩm, bị ướt, cảm biến bị mốc, ống kính bị hỏng chế độ zoom, bị mốc hay máy bị cát vào… Nguyên nhân phần lớn do người dùng vô ý, chẳng hạn, chụp xong vẫn để máy ảnh trên chân máy rồi chuyện trò, đùa nghịch có thể xô vào gây va đập, hay để máy trên bãi cát. Cũng có khi do để nguyên máy và ống kính trong balô rồi di chuyển sang một điểm chụp khác trên quãng đường dài, xóc gây tổn thương ống kính. Hay chụp trong trời mưa bụi hay nhiều sương mù nhưng không che máy khiến thiết bị ngấm nước… Với những sự cố này, hầu hết người thuê phải đền bù chi phí sửa (thường do thợ sửa báo giá). Trường hợp lỗi quá nặng, máy hay ống kính không còn sử dụng được, khách phải mua máy hoặc đền bù tương đương.

Ni-lông là vật dụng không thể thiếu tránh cho máy bị ẩm hay ngấm nước khi chụp trong thời tiết xấu. Ảnh: Ness.

Anh Thành Đạt, phóng viên một tạp chí chuyên về nhiếp ảnh, cho rằng, những cơ sở cho thuê máy và ống kính như vậy rất đáng quý bởi không phải ai cũng có thể đầu tư một thiết bị có giá vài chục triệu đồng nhưng số lần sử dụng hạn chế, nhất là với những người thích nhiếp ảnh nhưng điều kiện tài chính còn hạn hẹp. Theo nhận xét của một số nơi, phần lớn khách thuê là để làm nghề (chụp ảnh cưới, quay clip ca nhạc, quay quảng cáo, làm phim ngắn…). Vài năm trở lại đây, nhu cầu thuê máy ảnh tăng một phần do lượng sinh viên theo học ngành đa phương tiện cần máy để làm bài tập, cũng như nhu cầu sử dụng máy DLSR quay clip ca nhạc nhiều hơn. “So với cách đây 2 năm, lượng khách thuê đã tăng gấp 4 – 5 lần”, anh Nguyễn Minh Nam, chủ một cơ sở trên phố Trương Định (Hà Nội) cho hay.

Hiện tại, trung bình mỗi cửa hàng cho thuê 2 đến 3 thiết bị một ngày, mùa cao điểm (cuối năm) có thể tăng lên 4 đến 5 thiết bị. Những loại được thuê nhiều là máy ảnh Canon 50D, 5D Mark II, Mark III, ống kính Canon 24-70 mm f/2.8L (vì dùng được cho cả máy crop lẫn full frame). Dù vậy, giá dịch vụ, theo chủ các cửa hàng ở Hà Nội, không tăng so với cách đây 3 năm. Đơn cử, một thân máy 5D Mark II giá cho thuê ở Hà Nội khoảng 400 nghìn đồng một ngày.

Một ống kính bị gãy do người thuê bất cẩn không tháo rời thân máy và ống kính khi di chuyển trên quãng đường dài. Ảnh: Thành Đạt.

Thông thường, máy ảnh khi thuê sẽ được giao cùng các phụ kiện như pin, sạc, thẻ nhớ, cáp chuyển đổi, nên người thuê có thể sử dụng được ngay, không phải trang bị gì thêm. Chủ thuê cũng sẽ yêu cầu khách kiểm tra kỹ thiết bị, bao gồm chụp thử để kiểm tra độ sắc nét, màu sắc; kiểm tra các nút vật lý của máy, thấu kính trước và sau của ống kính có bị xước, mốc; kiểm tra vòng zoom có chặt hay lỏng quá… Theo kinh nghiệm của anh Phạm Quỳnh Lâm, thành viên diễn đàn Vnphoto, trước khi thuê cần kiểm tra kỹ “ngoại hình”, nếu cần phải ghi chú những “tỳ vết”có sẵn trên ống kính thật cụ thể trong hợp đồng. “Với ống kính, độ trong của thấu kính và khả năng lấy nét tự động là 2 yếu tố đáng quan tâm nhất. Còn về màu sắc thì có thể tùy chỉnh trên body được”, anh Lâm lưu ý.

Anh Đạt cho rằng, sau khi chụp xong ở một điểm, muốn di chuyển sang điểm chụp khác, người dùng nên tháo ống kính, đậy nắp cho thân máy và ống cẩn thận rồi cho vào túi đứng chuyên dụng để tránh bụi và hơi nước làm giảm chất lượng hình ảnh. Nhưng cũng nên lưu ý, việc tháo rời ống kính quá nhiều khi di chuyển môi trường chụp không hoàn toàn tốt do sự chênh lệch về độ ẩm giữa các môi trường khác nhau có thể gây ẩm mốc cho cả ống kính và thân máy. Ngoài ra, người dùng nên chuẩn bị sẵn túi ni-lông, áo mưa hay ô che, khăn thấm nước để phòng khi đi chụp ở những địa điểm thời tiết xấu. Khi chụp ở những nơi khí hậu quá ẩm, có thể bọc thiết bị trong túi nilon hoặc che ô, chụp xong cho ngay vào túi để chống ẩm. Trường hợp đùa nghịch, chẳng may máy bị bắn nước vào cũng vậy, nên lấy khăn cotton lau khô và cho vào túi. Khi di chuyển giữa các điểm chụp một quãng đường dài, tránh để nguyên ống kính ở máy vì sẽ làm tăng thiệt hại lên gấp đôi nếu chẳng may gặp sự cố do kết cấu cồng kềnh của khối thiết bị. Cũng nên tránh vì vội vàng để cáp, sạc chung với ống kính hay thân máy dễ gây ảnh hưởng đến thiết bị. Một lưu ý nữa của anh Đạt khi đi chụp ảnh xa trong tiết trời xuân là tránh để máy móc, thiết bị chung với quần áo vì dễ bị hấp nhiệt và ẩm từ quần áo sang.

Hải Mỹ
Theo Số Hoá

x