Menu

Giỏ hàng

LỰA CHỌN THẺ NHỚ NÀO THÌ PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU?

Việc lựa chọn được thẻ nhớ phù hợp với nhu cầu và chất lượng tốt sẽ giúp đáp ứng được yêu cầu của công việc, hay giảm thiểu rủi ro mất mát dữ liệu, nhưng không phải ai cũng hiểu được các thông tin liên quan của thẻ nhớ, đặc biệt là những người dùng mới (hay newbie). Không có kích thước lớn và đi kèm hình thức ấn tượng, thông số kỹ thuật “khủng” như những thân máy ảnh hay ống kính, nhưng thẻ nhớ là một phần không thể thiếu của những bộ máy ảnh / máy quay khi tất cả dữ liệu chúng ta ghi được đều nằm tại đây. 

Trong bài viết này, admin sẽ đề cập đến thẻ nhớ SD, loại thẻ nhớ được sử dụng phổ biến nhất trên thị trường hiện nay, dù là người dùng amateur hay dân chuyên nghiệp.

Lịch sử thẻ SD

Ngược dòng thời gian về năm 1999, 3 ông lớn của ngành bán dẫn của Nhật và Mỹ lúc đó là Panasonic (Matsushita), Toshiba và Sandisk cùng hợp tác, phát triển định dạng thẻ nhớ mới mang tên SD (Secure Digital), dựa trên định dạng thẻ MMC đã có (MultiMediaCard). Lúc này, thẻ SD được cung cấp bản quyền kĩ thuật số dựa trên sáng kiến âm nhạc kĩ thuật số an toàn (SDMI).

Năm 2000, các công ty này cùng thành lập hiệp hội thẻ SD (SD Association), trụ sở tại thành phố San Ramon, bang California, Mỹ. Đơn vị này có nhiệm vụ công bố các tiêu chuẩn dành cho thẻ nhớ SD. Cho đến nay, hiệp hội thẻ SD có hơn 1000 công ty sản xuất cùng tham gia với tư cách thành viên.

Logo hiệp hội SD

Tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều thẻ nhớ của các thương hiệu đang được bày bán, nhưng được sử dụng rộng rãi hơn cả là các sản phẩm đến từ Sandisk.

Kể từ năm 2006, tiêu chuẩn SDHC (Secure Digital High Capacity) ra đời và thay thế cho SD với hình thức tương tự SD nhưng  có  ưu điểm dung lượng và tốc độ cao hơn, cũng như hỗ trợ cho định dạng FAT32 xuất hiện cùng năm. Cụ thể, dung lượng của thẻ SD chỉ từ 2GB trở xuống, trong khi đó SDHC có dung lượng từ 4 đến 32GB.

Năm 2009, hiệp hội thẻ SD công bố SDXC (Secure Digital eXtended Capacity) với dung lượng từ 64GB trở lên và tốc độ tối đa đến 300MB/s. Cho đến năm 2010, những chiếc thẻ nhớ SDXC thương mại đầu tiên mới xuất hiện.

Ở triển lãm CP+ tháng 2/2016, phiên bản 5.0 của chuẩn SDXC được công bố, cho khả năng quay video với độ phân giải 8K. 

Năm 2019, tiêu chuẩn mới mang tên SDUC (Secure Digital Ultra Capacity) xuất hiện, với dung lượng tối đa 128TB và tốc độ tối đa tới 985MB/s.

Các yếu tố kĩ thuật 

Đây là một điểm quan trọng của thẻ nhớ, có vai trò quyết định trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Như đã nói ở trên, thẻ SD hiện nay bao gồm 4 loại chính, tương ứng với 4 mức dung lượng:

  • SDSC (Secure Digital Standard Capacity): Được nâng cấp từ thẻ MMC, với kích thước 32.0×24.0×2.1 mm (thông số này vẫn được giữ nguyên với SDHC và SDXC). Tuy nhiên, do dung lượng quá nhỏ, chỉ từ 2GB trở xuống, do đó thẻ với tiêu chuẩn SDSC hiện nay đã không còn tồn tại.
  • SDHC: Dung lượng từ 4GB đến 32GB, hỗ trợ định dạng FAT32 thay vì FAT12 và FAT16 của SDSC. Các thiết bị sử dụng SDHC có thể dùng được SDSC, nhưng các thiết bị chỉ hỗ trợ SDSC thì không thể dùng được SDHC.

Bên trong một chiếc thẻ nhớ SDHC 16GB: 2 chip nhớ NAND được hàn cạnh nhau

 

  • SDXC: Dung lượng từ 64GB đến 2TB, hỗ trợ định dạng exFAT, xuất hiện chỉ 1 năm sau khi tiêu chuẩn USB 3.0 được công bố.
  • SDUC: Dung lượng cho đến 128TB, tốc độ tối đa lên tới 985MB/s

Vậy còn các thông tin như C10, U3, V30, UHS-I, UHS-II… có ý nghĩa gì?

Về dung lượng thì chúng ta đều rõ càng lớn càng tốt, nhưng vẫn còn những thông tin khác được in trên mặt thẻ nhớ, có ý nghĩa về tốc độ đọc ghi, nhưng chúng lại khác nhau. Cụ thể chúng khác nhau như thế nào?

C2, C4, C6, C10, U3, V30

Đây là thông tin cho biết tốc độ tối thiểu mà máy ảnh / máy quay ghi vào thẻ: Class 2, 4, 6, 10, số càng cao thì càng tốt. Đối với các thẻ nhớ hiện nay, phổ biến nhất là Class 10, hay tối thiểu 10MB/s giây. Cần lưu ý rằng, để quay được video Full HD, tối thiểu thẻ nhớ cần thuộc Class 10.

Vào thời kì ban đầu, khi dung lượng còn thấp, cũng như lượng dữ liệu mà các thiết bị tạo ra không lớn, Class 2 là vừa đủ. Tuy nhiên, do độ phân giải của cảm biến hình ảnh tăng dần, cũng các yếu tố khác, Class 10 dần trở nên phổ biến và là mức tối thiểu mà một chiếc thẻ nhớ SD phải có.

Giải thích về thông số và hiệu quả thẻ nhớ đối với các thông số in trên thẻ

Bên cạnh đó, một số thẻ nhớ tầm trung và cao cấp còn có thêm các thông tin như U3, V30, V60… những thông tin này cũng cho biết tốc độ ghi tối thiểu của thẻ nhớ là 30 hoặc 60MB/s (U3 = V30).

Số V càng cao = tốc độ ghi tối thiểu càng cao = thẻ nhớ càng có chất lượng cao.

Cần lưu ý rằng, tốc độ ghi càng cao, thời gian để chuyển dữ liệu từ bộ nhớ đệm vào thẻ càng ngắn, hoặc độ phân giải của video cần quay càng cao, cụ thể như hình dưới đây:

Vậy UHS là gì?

Thẻ nhớ dung lượng 128GB, thuộc tiêu chuẩn SDXC. U3 cho thấy tốc độ ghi vào thẻ tối thiểu 30MB/s. Thông số 300MB/s hoặc một con số khác thường được ghi trên mặt các thẻ nhớ cho thấy tốc độ đọc của thẻ nhớ

UHS hay Ultra High Speed, cũng cho biết tốc độ ghi của thẻ nhớ. UHS chỉ được in trên các thẻ từ 8GB và C10 trở lên. Thông số UHS-I và UHS-II sẽ được biểu thị bằng con số La Mã I và II.

UHS-I sẽ có tốc độ đọc tối đa đến 104 MB/s (cao), UHS-II đạt tới 312 MB/s (cực cao). Cần lưu ý rằng, cùng có kí hiệu UHS-I hoặc UHS-II, nhưng không có nghĩa 2 thẻ sẽ có tốc độ đọc – ghi bằng nhau, điều này còn phụ thuộc vào dòng thẻ: phổ thông, tầm trung hoặc cao cấp do các hãng tự quy định.

Đương nhiên, các thẻ nhớ chuẩn UHS-II cũng có tốc độ ghi vào thẻ cao hơn UHS-I, do đó điểm khác biệt không chỉ nằm ở con số in ở mặt trước, mà còn là hàng chấu tiếp xúc ở mặt sau:

Bên trái: thẻ UHS-I; Bên phải: thẻ UHS-II. Ảnh: Have Camera Will Travel

Bên cạnh đó, một lưu ý khác là “thẻ nào máy đó”, mà cụ thể hơn: khi một thẻ nhớ UHS-II lắp vào thân máy chỉ hỗ trợ UHS-I, thẻ UHS-II sẽ chỉ chạy ở tốc độ tối đa của UHS-I hoặc “siêu chậm”, tùy vào loại thẻ. Ngược lại, thẻ UHS-I lắp vào thân máy hỗ trợ UHS-II sẽ chỉ chạy ở tốc độ tối đa của chuẩn UHS-I.

Vậy giờ chúng ta hãy thử đọc thông tin của một chiếc thẻ nhớ đang được sử dụng rất rộng rãi hiện nay: Sandisk Extreme Pro 32GB SDHC 95Mb/s

32GB: Dung lượng của thẻ nhớ, tuy nhiên dung lượng thực tế sẽ nhỏ hơn con số này do các nhà sản xuất chip nhớ sử dụng cách tính với hệ thập phân (cơ số 10).

95MB/s: Con số được in trên mặt thẻ là tốc độ đọc, tải lại dữ liệu khi bật máy ảnh.

SDHC: Thẻ này thuộc tiêu chuẩn SDHC

V30, U3: thẻ có tốc độ ghi tối thiểu 30MB/s, có thể quay được video 4K. Tốc độ ghi thực tế ~75MB/s

C10: thẻ thuộc class 10

I: Thẻ thuộc dòng UHS-I, có tốc độ đọc tối đa trên lý thuyết 104MB/s

Extreme Pro: dòng thẻ nhớ cao cấp của Sandisk

Đương nhiên, đây là minh họa đối với Sandisk, các hãng khác sẽ có cách đề thông tin và chia dòng thẻ nhớ phổ thông – cao cấp khác nhau, nhưng V30/U3, Class, UHS vẫn theo tiêu chuẩn của hiệp hội SD.

Vậy lựa chọn thẻ nhớ sao cho phù hợp?

Điều này còn phụ thuộc khả năng tài chính và yêu cầu của các cá nhân. Cụ thể hơn:

  • Đối với ghi hình gia đình, bạn bè, không dùng cho mục đích làm việc, dung lượng 16 hoặc 32GB có thể đáp ứng tốt.
  • Đối với làm việc, dung lượng từ 64GB trở lên là cần thiết, số lượng thẻ nhớ sẽ tùy vào khối lượng dữ liệu.

EOS R6 (và EOS R6 Mark II sau này) với 2 khe thẻ SD, đều hỗ trợ UHS-II

Ngoài ra, cần chú ý về thân máy ảnh sẽ sử dụng hỗ trợ dòng thẻ nhớ nào. Cụ thể hơn:

  • Các sản phẩm DSLR như EOS 6D Mark II, EOS 5D Mark IV: chỉ hỗ trợ thẻ SD dòng UHS-I
  • Các thân máy ảnh thuộc dòng EOS R như EOS R5, R6, R3… sẽ hỗ trợ dòng UHS-II. 

 

x