Menu

Giỏ hàng

Làm sao để chụp một bức ảnh đời thường không thường thường

Ảnh đời thường đúng như tên gọi của nó – thể loại ảnh chụp những họat động bình thường của cuộc sống vẫn diễn ra từng phút xung quanh chúng ta. Nếu chỉ coi việc chụp ảnh là ghi lại hình ảnh thì quả thật nhàm chán và rất khó để người xem cảm thấy thú vị vì những họat động đó quá quen thuộc với mọi người. Để tránh sự nhàm chán đó, nhiều người luôn cố gắng đi tìm những khoảnh khắc bất thường (tai nạn, hành vi kỳ quặc,), sử dụng những công cụ làm biến đổi hình ảnh gây nên sự lạ mắt(ống kính góc rộng, ống kính mắt cá…), sử dụng các phần mềm xử lý ảnh để thay đổi, cắt ghép màu sắc, nhân vật, bối cảnh. Hay có người viết cả 1 bài văn kể ra một câu chuyện đau lòng/thương tâm/bốc phét hay chép nguyên 1 bài thơ đi kèm với ảnh. Tất cả những điều nêu trên đều có thể thực hiện, không có quy định nào cấm cản nhưng theo mình, làm như vậy là hạ thấp ý nghĩa của NHIẾP ẢNH – hành động lưu lại 1 khoảnh khắc không bao giờ có thể quay lại nữa. Nhiếp ảnh không phải là hội họa nên nó đòi hỏi sự trung thực, trung thực trong hình ảnh, trung thực trông chú thích…nhất là đối với ảnh đời thường.

Vậy làm thể nào để chỉ bằng 1 cú bấm máy, ta có thể thu hút người xem, có thể làm bức ảnh trở nên ý nghĩa hơn, đẹp mắt hơn?

I. Khoảnh khắc quyết định:

khoảnh khắc là thứ quan trọng nhất trong nhiếp ảnh. Nó có thể là 1 ánh mắt, 1 hành động, một tia nắng… Ở đây mình muốn nói đến khoảnh khắc tốt nhất khi chụp 1 chuyển động của cơ thể con người. Khoảnh khắc tốt nhất của chuyển động là lúc mà chuyển động đó đạt đỉnh điểm (căng nhất), bước chân chạy dơ lên cao nhất rồi hạ xuống, cú đấm căng nhất khi người đấm duỗi hết chiều dài của cánh tay, cú sút của cầu thủ bóng đá….. Nói ngắn gọn là cách chụp bước chân CĂNG trong ảnh đời thường. Với những trước DSLR hiện đại có thể chụp tới 12 hình trên giây hiện nay thì việc này không khó, ta cứ việc ghì nút chụp rồi về chọn cái tốt nhất, ai cũng làm được cả. Nhưng việc phán đoán, chớp đúng khoảnh khắc căng nhất của chủ thể lại là việc làm cực kỳ thú vị và thách thức. Nó đòi hỏi người chụp phải có sự nhạy bén tốt, hiểu biết về chuyển động của cơ thể con người. Cách để chụp CĂNG không khó, với những chuyển động bình thường như đi lại, chạy nhảy…người chụp cần nắm vững nhịp độ của nhân vật, thậm chí có thể đếm 1,2,3…1,2,3 khi đã nắm được nhịp độ thì việc chụp đúng khoảnh khắc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Khi chụp thể thao, sân khấu đòi hỏi người chụp phải nắm được hành động đẹp nhất, căng nhất của nhân vật, ví dụ như bóng đá thì là cú sút của cầu thủ, cú bay người phá bóng của thủ môn, bóng chuyền là cú đập trên lưới, tennis là những cú giao bóng, smash…

Một bức ảnh mình chụp 1 em bé đang chạy về nhà. Chân phải của em bé căng hết cỡ về phía sau, chân trái đang chuẩn bị dậm để tạo trụ đưa chân phải lên trước. Thêm vào đó là 1 hậu cảnh với tường vôi khá đẹp. Bạn thấy bức ảnh này thế nào?

Tấm này thì kết hợp cả 2 trường hợp, căng và chùng. Bước chân của em bé đẩy căng để tăng tốc chiếc xe, bước chân của người mẹ thì như níu lại để chờ con.

II. Sử dụng ánh sáng
Ánh sáng là phần quan trọng nhất của nhiếp ảnh. Chụp ảnh thực chất là họat động lưu lại ánh sách chiếu vào cảm biến (phim với máy phim). Một bức ảnh có ánh sáng tốt là bức ảnh có đủ sáng, tối. Khi chụp đời thường ta không thể mang theo đèn flash, hay đèn quay phim để tạo ra ánh sáng tốt cho ảnh. Khi chụp đời thường tôi luôn chọn thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn, lúc đó ánh nắng mặt trời là nắng xiên chéo, rất hợp với việc chụp ảnh.

Ánh nắng chiều xiên khe qua những tấm bạt tạo thành những đường chéo trên ảnh. Tình huống này ta chỉ cần đứng đợi, sẵn sàng máy ở khẩu độ 5.6 trở lên để đảm bảo chủ thể nét, chờ nhân vật đi quá là có một bức ảnh tốt.

Ánh nắng chiều chiếu qua mái nhà, kết hợp với đường đi lên của cầu thang tạo thành 1 bức ảnh có bộ cục tốt


Ánh nắng buổi sáng xiên qua những hàng cây, tạo thành bóng in trên tường. Ở những trường hợp này thì người chụp chỉ cần chuẩn bị máy sẵn sàng, đứng chờ nhân vật đi qua mà thôi. Tuy nhiên, những khoảnh khắc như thế này không nhiều trong năm ở Hà Nội.

Không phải lúc nào cũng có nắng đẹp đặc biệt là lúc trời tối. Vì vậy tận dụng những nguồn sáng nhân tạo như đèn xe máy, ô tô trên đường cũng là 1 lựa chọn tốt

III. Frame in Frame

Đây là một cách chụp rất thú vị trong nhiếp, người chụp lồng ghép nhiều khung hình trong 1 khung hình duy nhất, mỗi khung hình thể hiện 1 ý nghĩa, 1 hành động khác nhau trong 1 bức ảnh. Kê cả chả có ý nghĩa gì thì cũng tạo nêu hiệu ứng hay trên bức ảnh.

IV. Tương phản

Chụp một bức ảnh có tính tương phản cao là cách thể hiện hay được dùng nhất trong nhiếp ảnh đời thường. Để thể hiện sự tương phản có rất nhiều cách như giàu – nghèo, cũ – mới, sáng – tối, nhanh – chậm, đen – trắng, cao – thấp, già – trẻ…Sự tương phản trên ảnh có thể được thể hiện một cách rõ ràng hoặc rất kín đáo. Việc chụp một bức ảnh có tính tương phản cao là rất dễ mà cũng rất khó. Người ta thường nói trong ảnh có ý, mỗi bức ảnh là một câu chuyện…Một câu chuyện hay một ý nghĩa mà chỉ nhìn qua đã nhận ra hay biết rõ rồi thì kể cũng không thú vị. Trình độ, nhận thức cũng như sự trải nghiệm cuộc sống của Nhiếp anh gia thường được thể hiện rõ ràng ở thể loại này.


Một bức ảnh mình khá tâm đắc, nó thể hiện được sự tương phản giữa già và trẻ, nhanh và chậm, chân đi giầy và chân không giầy. Hơn cả là nó được chụp bằng máy phim, chỉ một cú bấm cò duy nhất nhưng rất may mắn là những bước chân bước chân của vận động viên đều thể hiện trạng thái CĂNG nhất, thậm chí còn như đang bay

V. Sự liên kết giữa khung cảnh trên phố và nhân vật

Với đặc thù của ảnh streetlife – cuộc sống trên đường phố. Cách chụp những khung cảnh cố định trên phố như biển quảng cáo, hình ảnh cố định cùng với các nhân vật là một cách cực kỳ thú vị, dễ chụp. Hầu hết các Nhiếp ảnh gia nổi tiếng đều có những bức ảnh tuyệt vời thể hiện sự tương tác hết sức ngẫu nhiên của đồ vật, hình ảnh với cuộc sống.

Bức ảnh này mình chụp trong 1 siêu thị, các cô gái trong ảnh quảng cáo dường như đang cười cợt trước sự lựa chọn quần áo của một chị đứng tuổi

Dr. Thanh
Theo Tinh Tế

x