Máy in đơn năng
Hotline 1900 55 8809
Dù rất cẩn thận nhưng đôi khi chiếc máy ảnh quý giá vì một lý do nào đó như lỡ tay, tuột dây… bỗng dưng rơi xuống đất, hay tệ hơn là rơi xuống nước. Tạp chí nhiếp ảnh Digital Photography School đã đưa ra những giải pháp giúp chủ nhân chiếc máy hình dung cách thức giải quyết vấn đề.
Nếu lỡ rơi máy ảnh thì điều đầu tiên là bạn đừng hoảng loạn. Ảnh: Flickr.
Không hoảng loạn
Đối với máy ảnh du lịch thì không sao, nhưng với DSLR, đôi khi đó là cả một gia tài với người sử dụng nó. Vì thế khi nhìn chiếc máy thân yêu tan tác mỗi nơi một mảnh, tâm trạng hoảng loạn là điều khó tránh khỏi. Trong trường hợp này phải thật bình tĩnh, bởi hoảng loạn sẽ khiến bạn tiếp tục gây lỗi lầm tiếp theo và có thể làm vấn đề càng thêm trầm trọng.
Thu nhặt toàn bộ các linh kiện
Khi đã bình tĩnh, đầu tiên là bắt đầu tiến hành nhặt nhạnh những mảnh linh kiện rơi ra ngoài. Nếu rơi ở độ thấp thì có thể chỉ phải lo nhặt pin (vốn là vật dễ rơi ra nhất). Nhưng nếu bị vỡ một cái gì đó hay tệ hơn, linh kiện văng khắp nơi, hãy nhớ phải thu lượm lại cho bằng hết. Nói thì dễ nhưng thực tế thường mọi người chỉ bình tĩnh thu nhặt khi đánh rơi ở nhà, còn ở ngoài đường nơi đông người qua lại rất dễ dẫn đến tình trạng cuống, nhất là khi linh kiện nằm trên đường và dễ bị ô tô hay xe máy chẹt qua. Đừng bỏ sót bất kỳ mảnh gì dù nhỏ nhất, bởi bạn sẽ không đánh giá hết được tầm quan trọng của nó cho đến khi tiến hành láp ráp các mảnh lại với nhau.
Nhặt pin và rút thẻ nhớ
Như trên đã đề cập, hầu hết pin máy ảnh đều có cơ chế tự bung ra ngoài khi bị đánh rơi. Tuy nhiên, nếu nó không tự bung ra, hãy nhớ tháo ra khỏi máy, bởi đôi khi máy chưa hỏng hẳn nhưng bạn lỡ tay bật hoặc máy vẫn đang ở chế độ hoạt động, có thể vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Đối với thẻ nhớ thì an toàn hơn bởi các thẻ đều ở dạng thể rắn, vì thế các cú rơi hay sốc điện do rơi nói chung không ảnh hưởng nhiều tới nội dung trong thẻ. Nếu có những bức ảnh quý giá, hãy nhớ lấy ngay thẻ ra ngoài trước khi gửi máy đi sửa chữa.
Đừng cố tự sửa
Trừ phi bạn là một chuyên gia hoặc là người mày mò chuyên nghiệp, đừng cố tự lắp lại các thiết bị nếu không muốn “lợn lành thành lợn què”. Đừng biến chiếc máy DSLR quý giá của mình thành vật thí nghiệm cho quá trình học hỏi cách lắp ráp máy ảnh. Hãy để công việc đó cho những người chuyên nghiệp.
Kiểm tra bảo hành
Luôn nhớ kiểm tra thời hạn bảo hành. Mặc dù nói chung các điều khoản đều không bảo hành trong trường hợp người dùng đánh rơi máy, nhưng vẫn nên làm thêm thao tác này. Đôi khi các lỗi hỏng hóc do rơi không quá nghiêm trọng và nhờ có bảo hành, bạn có thể còn được sửa chữa miễn phí. Nếu không, ít nhất cũng có thể có được một số ưu đãi nhất định trong việc mua thêm linh kiện thay thế từ chính hãng.
Lựa chọn sửa chữa hoặc thay mới
Trừ những lỗi nghiêm trọng phải gửi lại chính nơi sản xuất để lắp lại, nói chung hầu hết các cửa hàng sửa chữa đều có thể khắc phục những lỗi linh kiện thông thường. Họ đều có dịch vụ miễn phí đánh giá lỗi và báo giá sửa chữa cho bạn, vì thế, hãy thu thập một số địa chỉ và mức chi phí. Nếu chi phí quá đắt, nên nghĩ đến việc mua mới. Nhờ có việc tham khảo nhiều địa chỉ, ít nhất bạn sẽ có được mức giá sửa chữa thấp nhất.
Có thể thuê máy trong lúc chờ sửa
Nếu quá gấp gáp trong việc phải chụp ảnh một sự kiện nào đó mà máy ảnh lại đang sửa, có thể hỏi thuê chính cửa hàng đó một máy ảnh khác để chụp, hoặc nếu không thì thuê tại các dịch vụ cho bên ngoài. Dù có phải thêm một khoản chi phí, nhưng sẽ giúp bạn không bị bỏ lỡ một sự kiện quan trọng và có giá trị đối với mình.
Tìm kiếm linh kiện trên mạng
Trong khi chờ đánh giá từ các cửa hàng sửa chữa, cũng có thể tìm kiếm trên mạng những địa chỉ chuyên cung cấp linh kiện cũ thay thế. Có thể bạn sẽ tìm được những thứ cần thiết với mức giá rẻ nếu như máy chỉ hỏng vặt (vỡ màn hình sau, vỡ bánh xe điều khiển, gẫy đèn cóc…).
Đừng vứt, hãy bán nó
Nếu máy bị hỏng quá nặng và chi phí sửa chữa cũng khá lớn, đừng vội vứt tất cả vào sọt rác. Hãy nghĩ đến việc rao bán nó trên những trang chuyên bán đồ hoặc để lại cho những cửa hãng linh kiện cũ mà bạn đã tìm kiếm ở trên. Đôi khi đồ vứt đi của người này sẽ là đồ quý hiếm của người kia. Các cửa hàng đồ cũ sẽ tháo toàn bộ linh kiện dùng được để dùng cho những người khác cũng bị tình trạng tương tự. Thêm vào đó, bạn lại có thể có thêm một khoản nhỏ để tiếp tục đầu tư mua sắm một máy ảnh mới cho mình.
Nguyễn Hà
Theo Số Hoá
1900 55 8809