Công nghệ điện toán đám mây hơn 60 năm tuổi đời


Máy tính mainframe được sử dụng trong công nghệ “time-sharing” có giá đắt đỏ. Ảnh: Trentonsystems.

Vào những năm 1950, các trường đại học và công ty lớn sử dụng một công nghệ có tên “time-sharing” được coi là “mầm mống” của công nghệ điện toán đám mây hiện nay. Cơ chế hoạt động của “time-sharing” là sử dụng máy khách để truy cập thông tin ở các thiết bị đầu cuối riêng biệt. Nhược điểm của công nghệ này là phải sử dụng máy tính mainframe (máy tính có kích thước lớn) vốn có giá rất đắt đỏ. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, con người đã phải tìm cách, nghiên cứu trong một thời gian dài và công nghệ điện toán đám mây ra đời.

Năm 1969, một nhà khoa học máy tính có tên J.C.R. Licklider đã trình bày ý tưởng về “hệ thống máy tính thiên hà” (intergalactic computer network). Ông đã phát triển ra hệ thống mạng ARPANET (Advanced Research Projects Agency Network) với hy vọng rằng con người sẽ nhờ nó để truy cập các dữ liệu và chương trình từ bất kỳ đâu. John McCarthy, “cha đẻ” của thuật ngữ “trí thông minh nhân tạo”, đã tiếp tục xây dựng ý tưởng về đám mây điện tử vào thời gian sau đó. Những dữ liệu đám mây đầu tiên được ông sử dụng vào việc kiểm tra và giao dịch tài chính.

Tuy vậy, phải tới những năm 1990, ý tưởng của J.C.R. Licklider mới bắt đầu được “chắp cánh” bởi vào lúc đó Internet mới đủ băng thông để đưa điện toán đám mây đến đông đảo người dùng. Năm 1997, giáo sư Ramnath Chellappa là một trong những người đầu tiên sử dụng cụm từ “điện toán đám mây”. Sau đó 2 năm, Salesforce trở thành website đầu tiên cung cấp ứng dụng và phần mềm Internet.

Năm 2002, Amazon cũng bắt đầu nhảy vào thị trường này với dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây “Web Services” (AWS). Sau đó 4 năm, hãng bán hàng trực tuyến lại tiếp tục giới thiệu dịch vụ Elastic Compute (EC2), cho phép các công ty nhỏ thuê máy tính có khả năng chạy ứng dụng của riêng mình.


Dịch vụ điện toán đám mây của Apple bắt đầu được trình làng vào năm 2010.

Năm 2007, Salesforce tiếp tục mở rộng tầm hoạt động với trang dịch vụ Force.com. Dịch vụ này nhằm giúp cho các nhà phát triển trong nhiều doanh nghiệp xây dựng, vận hành ứng dụng và website thông qua các “đám mây”.

Đến năm 2008, Google và Microsoft bắt đầu nhảy vào sân chơi với nỗ lực biến điện toán đám mây trở thành công nghệ được sử dụng phổ biến. Trong đó, Google đưa ra dịch vụ lưu trữ điện toán giá rẻ Google App Engine còn Microsoft lại giới thiệu Windows Azure cũng được nhiều người đánh giá cao.

Năm 2010, Salesforce tiếp tục mở rộng tầm hoạt động với trang Database.com cũng dành cho các nhà phát triển, giúp chạy mọi dịch vụ điện toán đám mây trên mọi thiết bị, nền tảng cũng như ngôn ngữ lập trình. Vào thời điểm này, Apple cũng bắt đầu giới thiệu dịch vụ điện toán đám mây đầu tiên của mình là iCloud cho phép đồng bộ hoá các dữ liệu như ảnh, ứng dụng, âm nhạc và văn bản trên các thiết bị của hãng.

Theo Hiệp hội kỹ sư điện và điện tử Mỹ (IEEE), công nghệ điện toán đám mây vẫn chưa được khai thác tối đa. Hiện tại, nhu cầu về dữ liệu vẫn đang tăng, đồng nghĩa với việc công nghệ này vẫn có tương lai phát triển hơn nữa. Doanh thu từ các dịch vụ điện toán đám mây theo ước tính có thể đạt tới hơn 152 tỷ USD vào trước năm 2014.

Thanh Tùng
Theo SoHoa