Menu

Giỏ hàng

Chụp sai mà hình vẫn đẹp ?

Trong những ngày đầu cầm máy ai trong chúng ta cũng phải học nhiều lý thuyết lẫn nguyên tắc để làm sao chụp cho ảnh sắc nét, đúng sáng, đúng bố cục… Nếu chụp không đúng sẽ làm ảnh sai nét, thiếu hoặc dư sáng, nhoè…nhưng trong số những ảnh chụp sai này đôi khi lại có những tấm ảnh đẹp mà bạn cho là “chụp rùa được”. Tuy vậy, sau khi đã nắm hết nguyên tắc chụp ảnh, rồi bạn không theo nó hay nghĩ ra những cách chụp khác biệt lại tạo ra những ảnh khác thường và có khi lại đẹp đặc biệt. Ở bài này chúng ta cùng nhau trao đổi với nhau những cách chụp sai mà vẫn đẹp.

1. Chụp tốc độ chậm mà vẫn cầm tay

Khi cầm một chiếc máy với body và ống kính không nặng lắm, bạn có thể chụp ở tốc độ 1/125s trở lên là không bị rung. Có nhiều bạn có thể chụp cầm tay tốt ở 1/60s và có khi xuống đến 1/30s nhưng dưới tốc độ 1/15s thì tốt nhất bạn nên đặt máy ảnh lên chân. Ngoài ra, máy ảnh đặt lên chân sẽ giúp bạn có thể bố cục khung ảnh dễ dàng hơn. Nếu chụp ảnh ở tốc độ chậm mà không có chân máy thì ảnh thường sẽ nhoè do rung tay. Nhưng có những tình huống chỉ xảy ra trong tích tắc và bạn phải chụp mà không có chân máy thì bạn cứ bấm máy. Hãy nghĩ đến khoảnh khắc mà đừng nghĩ đến việc có chân máy hay không nữa, và cũng nên áp dụng thêm kỹ thuật lia máy trong lúc này nữa.

 

Ảnh chụp một góc đường Đồng Khởi, Quận 1. Ảnh chụp ở tốc độ 1/30s, khẩu độ f/1.8, ISO 120. Ảnh cầm tay nên bị mờ nhòe nhưng nó vẫn có cảm giác lãng mạn riêng.

2. Không dùng đèn flash khi thiếu sáng

Mỗi khi chụp ảnh trong nhà thường là bạn sẽ bật đèn flash lên, trong một số chế độ chụp ảnh, máy cũng tự động kích cho đèn flash hoạt động. Tuy vậy, bạn có thể đọc lại cuốn hướng dẫn sử dụng máy và chuyển máy sang chế độ chụp không có đèn xem sao. Để giúp cho ảnh đủ sáng trong trường hợp này, bạn có thể mở khẩu độ, giảm tốc độ và tăng độ nhạy ISO lên. Chụp không có đèn flash thì những nguồn sáng còn lại trong phòng hoặc bên ngoài hắt vào sẽ là nguồn sáng chính và nó thể hiện ánh sáng của không gian trung thực hơn.

 

Ảnh chụp với ánh sáng của tự nhiên của bối cảnh mà không dùng đèn flash.

3. Chụp mà không cần sắp xếp

Khi chụp ảnh lưu niệm, chúng ta thường cho đối tượng được chụp biết mình sẽ chụp nhất là sau khi đếm 1,2,3. Khi chụp một người chúng ta sẽ chỉnh sửa hướng nhìn của nhân vật và thông thường nhất là nhìn vào ống kính. Khi chụp nhóm đông nhiều người chúng ta thường sắp xếp những người thấp ở giữa và ở hàng phía trước, những người cao hơn ở phía sau hoặc cao dần sang hai bên. Tuy vậy, quan sát chủ đề của mình trong chuỗi hoạt động và chụp mà không cần báo trước sẽ tạo ra những khoảnh khắc thú vị. Lúc này bạn đừng nghĩ ngợi gì về bố cục mà chỉ tập trung làm sao diễn tả được tính cách, hay tình cảm của nhân vật của mình. Dĩ nhiên sẽ có những ảnh đẹp và không đẹp, nhưng bạn đang sử dụng máy ảnh số nên ảnh không đẹp có thể xoá đi dễ dàng.

 

Ảnh chụp một buổi sinh hoạt chụp ảnh sáng tác, ảnh chụp mà không có sự sắp xếp trước đối với người được chụp.

4. Bố cục sai thì sao

Khi mới chụp ảnh, thông thường thì ta sẽ đạt chủ đề ở trung tâm ảnh và canh sao cho khoảng cách hai bên và trên dưới đều nhau. Diễn tả việc này ngộ nghĩnh nhất có thể gọi chủ đề là hạt nhân của ảnh. Khi đã hiểu khái niệm về bố cục, chúng ta luôn chụp sao cho ít nhất là chủ đề không nằm ở trung tâm của ảnh nữa, vì theo lý thuyết nó nên nằm ở đường mạnh, điểm mạnh. Tuy nhiên có những ảnh bạn cứ chụp sai như thuở ban đầu là cho chủ đề vào giữa và canh đều hai bên và trên dưới thì vẫn tạo ra những ảnh lạ mắt. Ngoài ra với lý thuyết bố cục 1/3 thì phía trước mặt chủ đề luôn có khoảng trống khoảng 2/3 chiều dài của ảnh để nói nôm na là cho chủ đề thở. Nhưng khi bạn không theo nguyên tắc bằng cách chỉ cho trước mặt chủ đề còn 1/3 cũng có thể tạo diễn tả một ý khác như sự bế tắc, sự kết thúc….

 

Chủ đề chính là thân cây nằm ở giữa, tuy nhiên bối cảnh ở phía sau gồm đồi núi, tàng cây đã giúp cho chủ đề không chia ảnh ra làm 2 phần tách biệt.

5. Đường chân trời ngả nghiêng

Khi chụp ảnh mà đường chân trời không nằm song song với cạnh của ảnh, thường bị người xem đánh giá kỹ thuật chụp ảnh còn non tay. Vì vậy, chúng ta khi chụp ảnh thường phải canh sao cho đường chân trời phải thẳng, nếu chưa được ưng ý khi chụp thì ta lại dùng một phần mềm biên tập ảnh như Photoshop chẳng hạn để xoay nó lại lúc xử lý ảnh. Tuy vậy, nếu bạn chụp đường chân trời ngả nghiêng nó cũng có ý nghĩa riêng của nó. Trước hết nó có thể diễn tạ tính chuyển động trong ảnh nhất là ảnh thể thao, kế đến là chân trời ngả nghiên cũng diễn tả sự không vững chắc, chao đảo và tạo một sự chú ý hơn đối với người xem.

 

Trong hoàn cảnh đang ngồi trên canô chạy với tốc độ cao thì thật khó mà có thể canh cho đường chân trời song song với cạnh ảnh. Chân trời nghiêng ở đây cho cảm giác chao đảo, lắc lư.

6. Chụp mà không cần nhìn vào khung ngắm

Có khi nào bạn chụp mà không cần nhìn vào màn hình LCD hay khung ngắm không? Cũng đôi khi bạn cần phải làm như vậy, ví dụ bạn đang đứng trong một đám đông và đưa máy lên cao để chụp chung quanh. Bạn có thể để máy ở chế độ tự động, tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì chế độ tự động sẽ cung cấp cho bạn những thông số tham khảo về tốc độ và khẩu độ. Lúc này bạn hãy chuyển máy sang chế độ chỉnh tay và cài đặt tốc độ khẩu độ theo những thông số ở trên, rồi bạn lấy nét tay với khoảng cách ước lượng rồi chụp. Không phải tất cả những ảnh chụp với phương pháp này đều chính xác, nếu bạn chụp được hơn 1/2 số ảnh đúng sáng và đúng nét là thành công rồi. Bạn cũng có thể áp dụng cách chụp này khi chụp từ sát dưới đất hướng ống kính lên trên khi không thể nào nằm xuống đất để chụp.

 

Ảnh được chụp bằng cách đặt máy xuống sát mặt đất và hướng ống kính lên. Ảnh chụp bằng cách ước lượng lấy nét và bố cục, không nhìn vào khung ngắm.

Sưu tầm 

x