Canon tin trào lưu chụp ảnh điện thoại là cơ hội cho máy ảnh DSLR

Thừa nhận mảng máy ảnh du lịch đang bị điện thoại thông minh lấn át nhưng đại diện của Canon vẫn tin tưởng vào khả năng phát triển của máy ảnh DSLR. 


Di động chụp hình là đối thủ của máy ảnh compact nhưng “thân thiện” với máy ảnh DSLR.

Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí sau lễ ra mắt sản phẩm tại Việt Nam hôm thứ 5, ông Nick Yoshida, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Canon Marketing Việt Nam đã chia sẻ một số thông tin về thị trường máy ảnh vài năm trở lại đây. Trong đó đáng chú ý là sự phát triển chóng mặt của di động chụp hình và mạng xã hội đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp máy ảnh.

Không chỉ riêng Canon, nhiều thương hiệu máy ảnh khác như Nikon, Sony, Panasonic… đều có doanh số bán hàng máy ảnh du lịch đi xuống nhanh thời gian qua. Với mức giá từ 2 đến 8 triệu đồng, người dùng hoàn toàn có thể sở hữu một mẫu di động chụp hình khá tốt cùng khả năng chia sẻ nhanh chóng, điểm ưu việt hơn hẳn. Nhiều máy compact đã có thêm kết nối Wi-Fi, NFC và thậm chí có cả 3G nhưng vẫn không khiến thị trường đảo chiều tăng trở lại.

Đại diện của Canon cho rằng đây là quy luật tất yếu của thị trường nhưng công ty lại có cái nhìn tích cực về sự chuyển biến nói trên. “Sự tăng trưởng của smartphone thật ra lại là một dấu hiệu tích cực cho thấy ngày càng có nhiều người nhận thức về niềm vui của nhiếp ảnh. Nói cách khác, sau smartphone, người dùng có xu hướng tìm kiếm các thiết bị chụp ảnh chuyên nghiệp hơn để có được những trải nghiệm nhiếp ảnh đẳng cấp hơn, cho ra đời những bức ảnh chất lượng hơn. Chính vì vậy, thị trường máy ảnh du lịch có thể giảm nhưng bù lại nhu cầu dành cho thị trường máy DSLR (dòng máy chuyên nghiệp) lại tăng cao”, ông Yoshida chia sẻ.

Theo số liệu của Gfk, Canon đang chiếm khoảng 65% thị phần máy ảnh chuyên nghiệp, tiếp theo là Nikon với 18% và Sony là 13%. Với thị trường máy ảnh du lịch, Canon chiếm 42%, Sony đứng thứ 2 với 38%, Nikon là 10% và Panasonic chiếm 3%.

Nói về hiện tượng máy ảnh không chính hãng tràn lan trên thị trường và giá bán rẻ hơn, ông Nick Yoshida cho biết lý do là mức chênh lệch giá ở các thị trường, do hệ thống thuế, tỉ giá ngoại tệ, chi phí vận chuyển cùng nhiều chi phí khác ở mỗi quốc gia lại khác nhau. Hàng ngoài hay còn gọi là hàng xách tay thường là hàng trốn thuế, không tốn các chi phí cho đại lý nên rẻ hơn tuy nhiên nguồn gốc không thực sự rõ ràng và chế độ bảo hành chỉ do cửa hàng nhỏ lẻ đảm nhận.

Canon cho biết gần đây đã cố gắng thu hẹp khỏag chênh lệch giá nhất có thể nhờ áp đặt chính sách giá mới trên toàn cầu. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng sẽ bớt đắn đo suy nghĩ khi lựa chọn hàng chính hãng với độ tin cậy cao hơn.

Theo Số Hoá