Menu

Giỏ hàng

Camera góc nhìn siêu rộng lấy cảm hứng từ côn trùng mắt kép

Các nhà khoa học Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Mỹ đã chế tạo thành công một hệ thống camera kỹ thuật số đặc biệt bao gồm 180 microlens (ống kính tý hon) gắn trên một đế hình bán cầu đường kính khoảng 1 cm mô phỏng cấu trúc mắt côn trùng. Mỗi “cặp đôi” microlens và một diod quang hoạt động như là một camera con tựa như mỗi mắt con ở côn trùng. Các hình ảnh thu được từ mỗi camera con sẽ được nạp vào bộ xử lý để ghép nối lại thành một hình ảnh liền lạc có góc nhìn lên đến 180 độ. Theo nghiên cứu, hình ảnh xử lý cuối cùng không hề bị hiện tượng quang sai và có độ sâu trường ảnh gần như vô tận (vật thể từ xa đến gần đều rõ nét như nhau).

Mẫu camera mới lấy cảm hứng thiết kế từ cấu trúc mắt của một số loại côn trùng như ong, kiến và một số loại côn trùng mắt kép khác.

Trong mẫu camera góc nhìn siêu rộng tựa như mắt côn trùng này, hầu hết các thành phần điện tử đều được làm từ silicon. Riêng các thành phần quang học được làm từ nhựa dẻo tựa như nguyên liệu dùng chế tạo kính sát tròng. Các camera con được kết nối với nhau qua một hệ thống các dây dẫn được thiết kế dạng xoắn lò xo để dễ dàng hơn trong việc bố trí các camera trên phần đế có hình bán cầu.

Hệ thống camera mới khi được gắn trên bo mạch xử lý. 

Tương tự như cấu trúc mắt kép của các loài côn trùng, hệ thống camera mới cũng có những ưu và nhược điểm riêng của nó. Ưu điểm đáng kể nhất chính là góc nhìn siêu rộng với độ sâu trường ảnh không giới hạn. Nói một cách đơn giản, camera có thể “thấy” gần như tất cả mọi thứ xung quanh từ gần đến xa với độ rõ nét là như nhau. Tuy nhiên, giới hạn của thiết kế này chính là số lượng điểm ảnh hiện hữu sẽ quyết định độ phân giải hình ảnh. Hiện tại, các nhà nghiên cứu chỉ mới phát triển camera bao gồm 180 microlens tương tự với số lượng 180 mắt con trên loài kiến đỏ. Trong tương lai, camera sẽ được “gia cố” thêm 20.000 microlens – tương đương với số lượng mắt con của chuồn chuồn – nhằm tăng độ phân giải của hình ảnh hơn nữa.

Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn phát triển, các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai, thiết bị sẽ sớm được ứng dụng trong giám sát an ninh, nội soi trong Y khoa hay thậm chí tích hợp trong các mẫu xe tự hành thám không (micro air vehicle).

Quỳnh Lâm

x