Nhiếp ảnh nâng cao – Cách dùng đèn flash

Hầu hết các máy ảnh thay ống kính đều có đèn flash tích hợp (trừ một số phiên bản như Olympus E-P1, E-P2 hay các máy DSLR chuyên nghiệp). Mặc dù các đèn tích hợp này tỏ ra khá hữu dụng khi chụp ảnh, nhưng nói chung, các đèn này vẫn chưa đủ hiệu quả trong một số trường hợp nhất định.

Để khắc phục nhược điểm này, các máy thay ống kính thường có thêm chấu để lắp đèn flash ngoài. Các đèn lắp ngoài này có công suất đủ lớn để sử dụng trong hầu hết các trường hợp. Nhưng nếu không điều chỉnh đúng cách, với công suất lớn chúng sẽ dễ dàng làm đối tượng được chụp bị cháy sáng, hoặc nếu đủ sáng thì hậu cảnh lại tối đen khiến ảnh bị bẹp và mất đi chiều sâu cần thiết.

Tìm hiểu về đèn flash lắp ngoài


Các bộ phận của đèn flash. Ảnh: Cnet Asia.

1. Đầu của đèn là nơi chứa bóng phát sáng. Một số đèn có khả năng lật hay xoay theo các góc khác nhau, cho phép người chụp có thể hắt sáng theo nhiều hướng khác nhau.

2. Thân đèn là nơi có các nút điều khiển, màn hình hiển thị và khoang chứa pin.

3. Chấu đèn có các đầu nối để tiếp xúc với các tiếp điểm trên chấu lắp đèn ở thân máy. Các chấu này chính là phần để máy ảnh và đèn có thể nhận và truyền lệnh lẫn nhau. Mỗi nhà sản xuất sẽ có các cách bố trí các đầu tối tiếp xúc khác nhau, vì thế đèn hãng nào chỉ có thể dùng trên máy của hãng đó (trừ các thiết bị đến từ các hãng thứ ba).


Một số đèn có thể lật xoay phần đầu theo nhiều hướng khác nhau. Ảnh: Cnet Asia.

Sử dụng kỹ thuật hắt sáng

Nếu bạn chĩa thẳng đèn flash vào đối tượng, ảnh có thể sẽ trở nên quá chói. Để tránh tình trạng này, bạn nên lật đầu của đèn flash hướng chéo lên trên để ánh sáng đạp vào trần (nếu trần đủ thấp) hoặc tường ở xung quanh đối tượng. Thao tác này sẽ làm cho ánh sáng được trải đều trên toàn bộ khung cảnh xung quanh đối tượng, làm cho ảnh trông tự nhiên hơn.


Điều chỉnh góc phát sáng phù hợp. Ảnh: Cnet Asia.

Nếu đèn flash có sẵn tấm nhựa hắt sáng ở phía đầu đèn, bạn có thể kéo hết ra rồi bẻ đầu flash hướng thẳng lên trời, khi chụp ánh sáng sẽ phản vào tấm chắn sáng tích hợp này rồi mới tỏa lên đối tượng, làm cho ánh sáng trên đối tượng đều và đỡ gắt hơn. Nếu không có tấm hắt sáng này, bạn có thể khắc phục bằng cách lấy băng dính gắn một tấm nhựa trắng vào sau đèn để thay thế.

Sử dụng cáp nối dài đèn


Dây nối dài đèn flash. Ảnh: Cnet Asia.

Nếu có thêm kinh phí, bạn có thể mua thêm đây nối dài đèn flash. Với dây nối này, đèn không nhất thiết phải gắn lên trên thân máy nữa, vì thế bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh đèn hắt từ bên trên hay từ một bên của đối tượng. Kỹ thuật này có thể tạo nên những hiệu ứng thú vị như chỉ chiếu sáng một nửa đối tượng, tạo cảm giác như được chụp từ studio.

Một số máy ảnh chuyên nghiệp còn có thể điều khiển đèn flash từ xa mà không cần dây nối. Nếu máy ảnh của bạn không có chức năng đó, bạn hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách lắp thêm bộ truyền tín hiệu không dây giữa máy và đèn, bạn cũng sẽ có được chức năng gần tương tự.

Chế độ chỉnh tay

Các đèn flash cao cấp thường có thêm chức năng cho phép bạn hiệu chỉnh công suất phát sáng của đèn. Chức năng này cho phép người chụp điều chỉnh mật độ ánh sáng phát ra để phù hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể. Hiện nay một số máy thay ống kính cũng đã có chức năng tương tự đối với đèn flash tích hợp trên thân máy.

Ký hiệu TTL là gì

Khi sử dụng với đèn flash, bạn thường hay đọc được cụm từ TTL. Từ này được viết tắt từ “Through The Lens” (qua ống kính). Khi một đèn flash có cảm biến đo sáng TTL tích hợp, có nghĩa là đèn có thể tương tác với máy ảnh để biết chính xác trong một cảnh nhất định, máy ảnh sử dụng thông số phơi sáng như thế nào, từ đó đèn sẽ phát một công suất tương ứng vừa đủ để chiếu sáng khung cảnh.

Các đèn flash hiện tại đều có những hệ thống đo sáng TTL rất tân tiến, vì thế mà nhiều nhiếp ảnh gia thường không cần quan tâm tới việc hiệu chỉnh thông số đèn nữa, họ chỉ việc chiếu đèn vào đối tượng và bấm máy.


Bức ảnh bên phải được chiếu sáng cân bằng nhờ kỹ thuật chụp hắt sáng (đèn nghiêng góc 45 độ), trong khi bức bên trái do chiếu thẳng nên bị bóng phía sau. Ảnh: Cnet Asia.


Khi công suất đèn được điều chỉnh thích hợp, ảnh trong sẽ sáng tự nhiên hơn. Ảnh: Cnet Asia.

Sử dụng đèn flash ban ngày

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Thế còn việc dùng đèn flash trong điều kiện ánh sáng ban ngày thì sao? Thực ra như trong bài về flash trên máy du lịch cũng đã đề cập, trong những trường hợp chụp ngược sáng (ánh sáng đến từ sau lưng đối tượng), đối tượng lúc này sẽ trở thành bóng đen (silhouette). Lúc này sử dụng flash để bù sáng cho tiền cảnh sẽ làm đối tượng nổi bật trở lại. Trong trường hợp này, nhớ giảm công suất của đèn, thử chụp một vài lần với vài mức khác nhau cho đến khi có được một bức ảnh ưng ý.

Nguyễn Hà
Theo Số Hoá