Solomon, xứ sở thần tiên trên Thái Bình Dương

Quần đảo Solomon không chỉ có biển, san hô, núi lửa mà còn là nơi người Melansia sinh sống và gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của mình.

Solomon là một đảo quốc của người Melansia nằm ở phía đông Papua New Guinea. Nơi đây được mệnh danh là “xứ sở thần tiên” nằm giữa Thái Bình Dương, bao gồm gần 1.000 đảo nhỏ trải dài trên diện tích khoảng 28.400 km2.

Mất 3 giờ bay từ sân bay Brisbane (Australia), du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bãi biển cát trắng trải dài với màu nước xanh trong, các rặng san hô tuyệt đẹp hay những ngọn núi lửa nơi đây.

Khoảng 900 hòn đảo núi lửa nằm trong khu vực, đa số đã ngừng hoặc vẫn đang hoạt động. Tinakula và Kavachi là 2 ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất, thường làm du khách thích thú khi được tận mắt ngắm nhìn.

Với các cánh rừng nhiệt đới bao phủ gần hết quần đảo, kết hợp thêm không khí trong lành, Solomon là điểm đến lý tưởng để du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

Do vị trí xa, cách biệt và chưa chịu sự tác động lớn của con người nên các đảo vẫn giữ nét nguyên vẹn, hoang sơ và mộc mạc.

Tuy nằm trong vùng khí hậu xích đạo nhưng nhờ các cơn mưa nhiệt đới thường xuyên, thời tiết nơi đây mát mẻ quanh năm, trung bình 27 độ. Các mùa không phân biệt rõ ràng, lạnh nhất là khoảng tháng 6 – 8.

Tính đa dạng sinh học ở Solomon rất cao vì vậy du khách sẽ dễ dàng tìm thấy những loài hoa lan đẹp đến kỳ lạ, đồi cọ bạt ngàn và đặc biệt là những loại bướm quý. Cánh rừng nguyên sinh nơi đây vẫn giữ được nét vốn có.

Thiên nhiên tươi đẹp, bình yên trên đảo Guadalcanal.

Người Solomon theo đạo truyền thống của tổ tiên, họ không ăn cua, tôm, động vật nhiều chân, máu trắng, vì vậy, cá là thực phẩm được ưu thích nơi đây.

Đến Honiara, du khách sẽ được tham quan viện bảo tàng, vườn thực vật và khu phố Tàu. Tour du lịch lặn sẽ đưa bạn tới thăm những xác tàu có từ thế chiến thứ 2 và nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp.

Trong giáo dục, học sinh tiểu học và trung học không phải trả học phí.

Người dân Solomon vẫn tổ chức các hoạt động truyền thống, nhảy múa ở bất cứ đâu… Nét đẹp hoang sơ trong từng bộ trang phục cũng như các phong tục truyền thống là đặc sắc văn hóa cần bảo vệ của thổ dân nơi đây.

Theo vnexpress