‘Chụp ảnh đời thường cần hay rồi mới đến đẹp’

Vốn “chuyên trị” ảnh đời thường, nhiếp ảnh gia Hải Thanh tâm niệm với loại hình này, tiêu chí hay cần phải đặt lên trước tiên rồi mới đến ảnh đẹp.

Theo nhiếp ảnh gia Hải Thanh, chụp ảnh đời thường khó mà dễ. “Khó là vì chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, như thế nào. Còn dễ ở chỗ đôi lúc bạn chẳng cần phải đi đâu xa, bởi vì đề tài chụp luôn hiện diện ở mọi nơi trong đời sống”, anh tâm sự.


Nhiếp ảnh gia Hải Thanh đang tác nghiệp.

Sau nhiều năm làm công việc thiết kế đồ họa và quan tâm đến khá nhiều thú vui để cân bằng tinh thần sau giờ làm việc, anh Thanh phát hiện ra thú chơi lớn nhất của mình là nhiếp ảnh. Thực ra nhiếp ảnh là đam mê với anh từ lâu nhưng lúc đó chưa có đủ điều kiện để theo nên đành tạm gác lại. Sau vài năm dành nhiều thời gian hơn để xem, đọc, tìm hiểu về nhiếp ảnh, anh say mê luôn từ đó đến giờ.

“Với ảnh đời thường tôi ưu tiên tiêu chí hay, rồi mới đến đẹp. Chụp ảnh đời thường không khó nhưng phải làm sao chụp những sự việc bình thường nhất để ra được những tấm ảnh có nội dung ý tứ với góc nhìn mang dấu ấn của riêng tác giả”, anh Thanh chia sẻ.

Một tấm ảnh đời thường hay rất cần gây được cảm xúc tác động đến người xem. Đó có thể là một tấm ảnh chụp chân dung kể về câu chuyện của một người bạn mới quen, hay cảnh chụp sinh hoạt hàng ngày đáng nhớ mà lại dễ bị bỏ qua.

Để thực hiện ảnh đời thường, nhiếp ảnh gia Hải Thanh dùng cả ống kính zoom và prime. Trong khi ống zoom xoay sở tiện lợi thì ống prime lại cho chất lượng ảnh cao nhưng cần luyện nhiều và chịu di chuyển hơn. Anh thường sử dụng tiêu cự trong khoảng 24-50mm, nhưng tiêu cự “kết” nhất là 35mm. Riêng về máy ảnh, anh chọn Canon 1Ds Mark II để đồng hành khám phá cuộc sống đời thường.

Trong những chuyến hành trình này, anh phải tìm được những góc tiếp cận với nhân vật thật lý tưởng. “Muốn có được góc chụp sinh động phải tìm cách chụp nhân vật từ nhiều phía và góc chụp cao thấp khác nhau. Đừng vội vàng, hãy tỉnh táo quan sát nhanh nguồn ánh sáng xem có ổn định hay không”, anh chia sẻ kinh nghiệm. Theo đó, người chụp cần chọn vị trí đứng phù hợp, xem tiêu cự ống kính đang sử dụng có thích hợp với khoảng cách tới nhân vật chưa; nên chịu khó di chuyển để thử tìm các góc chụp cao thấp khác nhau nữa.

Ảnh đời thường của nhiếp ảnh gia Hải Thanh rất đặc biệt ở màu sắc hội họa cùng góc nhìn hiện đại. Không quan trọng việc chụp màu hay đen trắng vì nó tùy vào gu và cảm nhận riêng của từng người nhưng anh thích tìm đến sự thách thức từ ảnh màu bởi không đơn giản để chụp được một bức ảnh có độ hài hòa tốt về màu sắc. Màu sắc tuy bắt mắt nhưng cũng dễ gây nhiễu thông tin.

Có nhiều thủ pháp bố cục được các tay máy áp dụng trong ảnh đời thường như bố cục tạo sự tương phản, hình trong hình… Tuy nhiên những người mới tiếp cận nên thử áp dụng tất cả các bài học về bố cục rồi mới tự tìm tòi các khuôn hình có bố cục lạ sau. Theo anh Hải Thanh, giá trị lớn nhất làm nên tấm ảnh nằm ở nội dung và cảm xúc mà nó đem lại nên anh thường hướng tới những bố cục ảnh đơn giản tự nhiên.

Nhiếp ảnh gia Hải Thanh cho biết sắp tới anh và Canon sẽ phối hợp thực hiện buổi hướng dẫn chụp ảnh đời thường nhằm chia sẻ những trải nghiệm, những nơi anh đã đi qua trong quá trình chụp ảnh.

“Hy vọng các bạn và tôi sẽ tiếp tục chụp thể loại ảnh này với cả tấm lòng, cùng sự kiên trì, khiêm tốn và độc lập về tư duy. Những tấm ảnh đời thường mang đầy cảm xúc chính là yếu tố giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa người chụp với người xem. Đó cũng chính là phần thưởng lớn nhất”, nhiếp ảnh gia Hải Thanh nói.

Theo Số Hoá