Lý do Google chọn câu lệnh ‘OK Glass’

Đầu năm 2012, Rosenberg được mời đến ăn tối với vợ chồng Mat Balez, Giám đốc sản phẩm của Google. Lúc này, Balez đang tham gia phát triển Glass nhưng dự án chưa có nhóm marketing. Rosenberg thấy đây là một cơ hội để gây ấn tượng với Balez về khả năng tiếp thị của mình.

Trên đường về, Balez chia sẻ với Rosenberg về việc cả nhóm đang tìm kiếm và lựa chọn các “hotword” (từ nổi bật) cho Glass. “Phải thú nhận, tôi không hiểu hotword là gì. Nhưng khi nghe Mat nói, tôi đoán đó là câu lệnh để kích hoạt và tiếp cận menu của Glass’, Rosenberg kể lại với The Next Web.

Nhóm phát triển kính tương tác của Google đề xuất nhiều những cụm từ khác nhau, trong đó các lệnh được đánh giá cao nhất là:

Listen up Glass (Nghe này Glass)
Hear me now (Hãy nghe tôi)
Let me use Glass to (Hãy để tôi dùng Glass để…)
Go Go Glass (Nào Glass)
Clap on (Vỗ tay)
Device, please (Này thiết bị)
3, 2, 1…
Glassicus
Glass alive (Glass sống dậy)
Pew pew pew

Khi được hỏi có ý tưởng hotword nào không, trong đầu Rosenberg đã bật ra cụm từ ‘OK Glass’, nhưng bà quyết định không nói ngay. Thay vào đó, bà về nhà và cố gắng nghĩ đến những giải pháp khác để gửi đến cho Balez lựa chọn. Tuy nhiên, bà không thể nào nghĩ đến những câu lệnh mới vì suy nghĩ dường như đã bị cuốn theo một hướng.

Vì thế Rosenberg quyết định viết thư rằng: “Tôi đã nghĩ rất nhiều về các hotword cho Glass. Tôi thấy Glass là thứ cần được kích hoạt bằng giọng nói ở mức độ cơ bản và phổ thông nhất. Nó là một sản phẩm cực kỳ cá nhân (chỉ mắt bạn mới thấy được). OK là từ được dùng thường xuyên nhất trên hành tinh này – để ủng hộ, chấp thuận, đồng ý, phê chuẩn, thừa nhận.Vì thế, nên dùng OK với một từ cố định nào đó, chẳng hạn OK Android, OK Glass hoặc OK Google”.

Một tuần sau, Rosenberg nhận lời mời phỏng vấn và trở thành người trong nhóm Glass từ đó. Còn hiện nay, OK Glass đã trở thành câu lệnh quen thuộc khi người ta nhắc đến chiếc kính “tương lai” của Google.

Châu An