Menu

Giỏ hàng

10 bức ảnh báo chí gây chấn động thế giới

Người ta thường nói một bức ảnh chứa đựng cả ngàn từ. Có thể bất kì bức ảnh nào cũng sẽ chứa đựng được số lượng từ ngữ mà tác giả muốn truyền tải đến người xem như vậy, tuy nhiên, chỉ một số ít trong số chúng vượt qua được cái ngưỡng đó.

Và đôi khi, những bức ảnh thuộc về số ít này có thể giúp thay đổi thế giới bởi những cơn xung chấn mà chúng tạo ra.

* Ghi chú: Hình ảnh trong bài có thể gây sốc

1. Bức ảnh chụp người tị nạn ở Kosovo

Carol Guzy – nữ phóng viên ảnh kì cựu đầu tiên nhận giải Pulitzer cho những bức ảnh mang tính thời sự – chính là chủ nhân của bức ảnh gây sốc này. Và cũng chính bức ảnh chụp những người tị nạn ở Kosovo này đã mang lại cho bà giải thưởng Pulitzer tiếp theo vào năm 2000.

Bức ảnh miêu tả cảnh bé Agim Shala (2 tuổi) đang được đưa qua hàng rào có nhiều dây thép gai để tới với gia đình mình. Hàng nghìn người tị nạn Kosovo khác cũng đã được đoàn tụ và họ cắm trại ở Kukes, Albania.

2. Bước trên vỏ đạn

Phóng viên ảnh Carolyn Cole của tờ Los Angeles Times đã chụp bức ảnh này trong thời gian ở Liberia. Vỏ đạn nằm la liệt trên một đường phố ở Monrovia, thủ đô của Liberia, nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội chính phủ và các phe nổi dậy trong cuộc nội chiến.

 

3. Vụ thảm sát ở Thái Lan

Phóng viên Neal Ulevich của tờ AP đã giành giải Pulitzer vào năm 1977 nhờ hàng loạt các bức ảnh về cảnh hỗn loạn và bạo lực trên các đường phố ở Bangkok, Thái Lan. Vụ thảm sát sinh viên trường Đại học Thammasat xảy ra vào 6/10/1976, nhằm vào các sinh viên biểu tình chống lại nhà độc tài Field Marshall Thanom Kittikachorn. Không chỉ các sinh viên, mà nhiều người biểu tình cũng bị đánh đập dã man, bị bắn, bị treo và thiêu cháy tới khi chết.

4. Sau cơn bão

Nhiếp ảnh gia Patrick Farrell của tờ Miami Herald đã chụp lại những hình ảnh đau lòng về các nạn nhân ở Haiti năm 2008. Tác giả đã gây ấn tượng mạnh mẽ bằng những bức ảnh đen trắng với chủ đề là “Sau cơn bão”.

Trong ảnh, một cậu bé đang cố gắng giữ lại một chiếc xe đẩy đã bị hư hỏng nặng sau khi cơn bão nhiệt đới Hanna đổ ập vào Haiti.

5. Sức mạnh của một người

Oded Balilty, một nhiếp ảnh gia người Israel của hãng thông tấn AP đã chụp lại cảnh một người phụ nữ một mình chống lại các nhà chức trách đang bắt mình sơ tán khỏi khu vực đang định cư ở đất nước này.

 

Ynet Nili, cô gái người Do Thái khi đó mới 16 tuổi là nhân vật chính trong bức ảnh trên. Giải thích về nghị lực giúp cô dám chống lại cả đám đông cảnh sát như vậy, Ynet Nili nói: “Bạn nhìn thấy tôi trong bức ảnh đó, đơn độc chống lại nhiều người? Nhưng đó chỉ là một sự ảo tưởng. Đằng sau đám người đó chỉ có một người, đó là Thủ tướng Ehud Olmert, nhưng đằng sau tôi là Chúa và cả nhân dân Israel nữa”.

6. Trung tâm Thương mại thế giới ngày 11/9

Sức mạnh truyền tải thông điệp qua bức ảnh của nhiếp ảnh gia Steve Ludlum thật đáng kinh ngạc. Bức ảnh ghi lại cảnh 2 chiếc máy bay đâm sầm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới tại New York, Mỹ tạo nên những đám khói, lửa, bụi bẩn cao ngút trời và nhiều người thiệt mạng.

 

7. Sau cơn sóng thần

Đây là một trong số những hình ảnh đại diện nổi bật nhất về hậu quả mà cơn sóng thần Ấn Độ Dương để lại được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Arko Datta của tờ Reuters tại Tamil Nadu. Nhờ những bức ảnh về sự kiện này, ông Arko đã giành giải Ảnh báo chí thế giới vào năm 2004.

Trong ảnh, một người phụ nữ Ấn Độ nằm dang tay trên nền cát, thể hiện nỗi đau đớn tột cùng trước sự ra đi của một thành viên trong gia đình sau cơn sóng thần có tến Ấn Độ Dương trên.

8. Thảm hoạ rò rỉ khí gas độc Bhopal

Pablo Bartholomew và Raghu Rai, hai phóng viên ảnh nổi tiếng người Ấn Độ đã chụp lại cảnh một người đàn ông đang chôn một đứa trẻ bị thiệt mạng sau thảm hoạ Bhopal – một thảm hoạ công nghiệp với sự rò rỉ khí gas độc hại khiến 558.125 người bị thương và khoảng 15.000 người khác bị thiệt mạng.

9. Trái tim sư tử

Deanne Fitzmaurice, nữ phóng viên từng đoạt giải Pulitzer năm 2005 là chủ nhân của bức ảnh đầy xúc động này. Bức ảnh với chủ đề “Cuộc phẫu thuật trái tim sư tử” gợi nhớ tới câu chuyện về một bé trai 9 tuổi người Iraq bị thương nặng sau một trong những cuộc xung đột có tính bạo lực nhất trong lịch sử hiện đại – chiến tranh Iraq.

Cậu bé đã được đưa tới một bệnh viện ở Oakland, California, Mỹ. Tại đây, bé đã phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật để giành giật lấy sự sống. Chính nhờ sự cam đảm và lòng ham sống của bé nên người ta đã đặt cho bé nickname: Saleh Khalaf, “Trái tim sư tử”.

10. Bi kịch của Omayra Sanchez

 

Frank Fournier đã chụp lại hình ảnh tang thương: bé Omayra Sanchez bị mắc kẹt trong bùn lầy và các tòa nhà bị sụp đổ. Sự phun trào núi lửa Nevado del Ruiz ở Colombia vào năm 1985 đã gây ra một vụ lở đất lớn khiến nhiều thị trấn bị tàn phá và khoảng 25.000 người bị thiệt mạng.

Sau 3 ngày cầm cự, bé Omayra đã qua đời và bức ảnh này được chụp trước thời khắc cuối cùng của bé không lâu. Nó đã tạo nên một làn sóng phản ứng dữ dội trên toàn thế giới về sự vô tâm, chậm trễ trong việc cứu người của các nhà chức trách ở đây và gây xúc động hàng triệu người trước những cái chết tang thương như thế.

Theo nhiepanh

x